Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai chủ động ứng phó với thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, hạn hán, mưa kèm theo gió lốc đã gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Do đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, chính quyền địa phương và người dân cần nâng cao ý thức phòng-chống thiên tai.

 

Nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai

Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 15-5, nắng nóng kéo dài đã làm hơn 2.875 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại (hơn 1.209 ha thiệt hại trên 70%, 1.495 ha thiệt hại 30-70% và 170 ha thiệt hại dưới 30%). Ước tính, tổng thiệt hại về cây trồng khoảng 53,2 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa giông kèm theo gió lốc đã làm tốc mái 713 ngôi nhà của người dân, hư hỏng nhiều công trình, cơ sở vật chất công cộng, ước thiệt hại hơn 6,3 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong khoảng từ ngày 9 đến 19-5, mưa giông kèm theo gió lốc đã xuất hiện ở nhiều địa phương như: Ia Pa, Phú Thiện, Chư Prông, Chư Pah, Chư Sê, Krông Pa và TP. Pleiku làm 2 người bị thương, 615 nhà dân và một số trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng bị tốc mái, ước thiệt hại hơn 5,8 tỷ đồng.

 Nắng hạn làm hàng trăm héc ta cà phê của người dân huyện Đức Cơ bị cháy khô. Ảnh: L.N
Nắng hạn làm hàng trăm héc ta cà phê của người dân huyện Đức Cơ bị cháy khô. Ảnh: L.N



Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho hay: Sau trận gió lốc làm tốc mái 7 nhà dân ở làng Hek và làng Kinh Pênh, UBND xã Chư A Thai đã xuất 18,8 triệu đồng từ nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại. Riêng thiệt hại về công trình văn hóa và trường học, địa phương chưa khắc phục được vì cần có nguồn kinh phí lớn. “Để đảm bảo cho việc dạy và học, sinh hoạt văn hóa của 2 làng bị thiệt hại, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương khoảng 466,8 triệu”-ông Thành cho biết thêm.

Huyện Ia Pa là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do gió lốc gây ra trong ngày 9 và 12-5, ước thiệt hại khoảng 3,72 tỷ đồng. Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho biết: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các xã đã trực tiếp xuống chỉ đạo khắc phục hậu quả, huy động lực lượng giúp người dân ổn định cuộc sống. “Đến nay, tất cả các nhà dân bị tốc mái đã được khắc phục, đảm bảo nơi ở. Địa phương đã hỗ trợ 6 triệu đồng cho các hộ ở xã Pờ Tó có nhà bị sập và xuất ngân sách xã để hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo bị thiệt hại ở xã Chư Răng. Đồng thời, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ để đề xuất hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại theo quy định”-ông Hùng thông tin.

Chủ động phòng-chống thiên tai

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, năm 2020 là một trong những năm nóng kỷ lục, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường. Cũng trong năm nay, bão trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo khả năng có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mùa mưa ở Tây Nguyên có khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, tình trạng khô hạn còn tiếp diễn. Từ tháng 6 đến tháng 9-2020, lượng mưa có xu hướng gia tăng. Đến tháng 10, tổng lượng mưa trên toàn khu vực Tây Nguyên phổ biến cao hơn 15-30% so với trung bình nhiều năm và khả năng mùa mưa sẽ kết thúc muộn. Đỉnh lũ năm 2020 trên các sông tại khu vực Bắc Tây Nguyên ở mức cao hơn năm 2019 và xuất hiện vào các tháng 9, 10. Do đó, chính quyền các địa phương và người dân cần sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Người dân xã Đak Hlơ, huyện Kbang đào giếng để tìm nước tưới cho cây trồng.
Người dân xã Đak Hlơ, huyện Kbang đào giếng để tìm nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Lê Nam



Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai và rút kinh nghiệm từ thực tế, các địa phương đã kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT; rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để bảo đảm hiệu quả hoạt động. Các địa phương cũng đã rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và TKCN; sẵn sàng vật tư, trang-thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của thiên tai và chủ động phòng-chống. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho biết: “Ủy ban nhân dân huyện cũng như các xã đã xây dựng phương án PCTT và TKCN. Ngoài ra, huyện đã có văn bản hướng dẫn các xã chủ động PCTT trước mùa mưa bão”.

Tương tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho hay: Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với từng cấp độ thiên tai trên địa bàn. Trong đó, mục tiêu là tập huấn nâng cao năng lực cho 100% cán bộ chính quyền từ huyện đến xã trực tiếp làm công tác PCTT; khoảng 80% dân số được phổ biến kiến thức về phòng-chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai; đồng thời, đưa các kiến thức về PCTT vào chương trình giảng dạy tại các trường học. “Phương châm của huyện là tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền, ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn về người và tài sản, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra”-ông Thành chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh-cho biết: “Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp và ngày càng cực đoan, các cấp, các ngành, địa phương và người dân cần chủ động trong PCTT. Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho nhân dân chủ động phòng tránh. Xây dựng và kiện toàn lại lực lượng đội xung kích các cấp. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong PCTT. Đồng thời, rà soát lại kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”.

 LÊ NAM

 

Có thể bạn quan tâm