Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai chuẩn bị kịch bản phát triển kinh tế-xã hội sau dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 21-4, tại trụ sở UBND tỉnh Gia Lai, Ban chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức họp triển khai các giải pháp phòng-chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Dự họp còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh.



Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung thảo luận, chủ động đề ra các giải pháp, chuẩn bị một kịch bản sẵn sàng để đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ thì kịp thời triển khai thực hiện. Cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các đại biểu xung quanh các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội sau dịch như: cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại của một số dịch vụ không thiết yếu; cho phép một số hoạt động thể dục thể thao; vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại; khám-chữa bệnh an toàn; đi lại an toàn; việc triển khai hỗ trợ các gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ…

 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: N.N
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: N.N



 Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Mặc dù tình hình dịch bệnh đã có những chiều hướng tích cực nhưng công tác phòng-chống dịch hiện nay vẫn phải tiếp tục đặt lên hàng đầu và xem tính mạng, sức khỏe của người dân là tối thượng. Chúng ta chú trọng thực hiện nhiệm vụ kép là vừa chống dịch, đồng thời phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở diễn biến của dịch để điều chỉnh cho phù hợp. Mục tiêu là phải chung sống tuyệt đối an toàn, nhất định không được chủ quan, nhưng cũng tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, làm sao cho người dân hiểu, thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch, khai báo y tế, nhất là đối với học sinh, sinh viên, gia đình cán bộ, công chức, viên chức, trong nhân dân; tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến, đây là cơ hội để chúng ta thực hiện cuộc cách mạng 4.0; tăng tốc các dịch vụ trực tuyến công để giảm các chi phí không chính thức; đẩy mạnh họp trực tuyến, làm việc trực tuyến, học trực tuyến, khuyến khích mua sắm trực tuyến... Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Gia Lai có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nên phải quản lý chặt chẽ vấn đề xuất nhập cảnh, quản lý chặt đường mòn, lối mở biên giới, kịp thời phát hiện không để sót lọt đối tượng. Không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30-4-2020. Kiểm soát chặt người nhập cảnh, tạm dừng cấp visa nhập cảnh với người nước ngoài (trừ trường hợp ngoại giao, công vụ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao, nhà đầu tư quốc tế...). Duy trì cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam.

Gia Lai là một trong các tỉnh, thành trong nhóm nguy cơ thấp, tuy vậy, Sở Y tế cũng cần phân loại mức độ nguy cơ đối với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để có những định hướng kiểm soát chặt chẽ hơn. Các sở, ngành nhanh chóng xây dựng đề xuất cụ thể việc thực hiện các quy định an toàn, phòng-chống dịch đối với hoạt động của nhóm các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống, giải khát; người bán hàng rong… trên địa bàn để khi cho hoạt động trở lại thì phải đảm bảo an toàn trong phòng-chống dịch theo quy định và trình UBND tỉnh ngay trong ngày 22-4.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ, không thể để các đối tượng phải chờ đợi; đề xuất sớm các vấn đề liên quan đến gói cứu trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các đối tượng kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng xây dựng kịch bản để khôi phục phát triển kinh tế sau dịch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thi công các công trình xây dựng cơ bản và các nguồn vốn đầu tư; tập trung rà soát để cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, xây dựng kịch bản, kế hoạch để phục hồi và tăng tốc phát triển sau dịch Covid-19…

 

 Như Nguyện
 

Có thể bạn quan tâm