Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Chung tay phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn xảy ra 32 vụ đuối nước làm 42 trẻ tử vong. Trước thực trạng trên, các ngành, địa phương cùng phối hợp đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các vụ việc thương tâm.  

Nguy cơ đuối nước ở trẻ


Với địa hình có nhiều ao, hồ, sông, suối và sự thiếu giám sát của gia đình, vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ trẻ bị đuối nước thương tâm.


Theo số liệu thống kê Sở LĐ-TB và Xã hội tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 275 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có đến 42 trẻ em tử vong do đuối nước, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Số vụ đuối nước xảy ra trên 14/17 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 32 vụ làm 42 trẻ tử vong, tăng 16 trẻ so với cùng kỳ năm 2016. Các địa phương có số trẻ bị tử vong nhiều là Ia Grai 8 trẻ (02 vụ), Chư Pưh 6 trẻ (05 vụ), Chư Pah 5 trẻ (04 vụ), Chư Prông 4 trẻ (03 vụ).

Nơi xảy ra vụ đuối nước cướp đi sinh mạng 4 trẻ xã Ia Sao, Ia Grai. Ảnh: Q.H
Nơi xảy ra vụ đuối nước cướp đi sinh mạng 4 trẻ xã Ia Sao, Ia Grai. Ảnh: Q.H

Thực trạng trên gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề này. Nguyên nhân của hầu hết các vụ đuối nước do các em tự ý rủ nhau đi bơi, trượt xuống ao, hồ, hố đào chứa nước tưới tiêu ở khu vực nông thôn, vùng chuyên canh cây công nghiệp. Riêng tại các điểm xảy ra tai nạn hầu như không có biển cảnh báo, rào chắn ở khu vực nước sâu, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, việc dạy kỹ năng bơi, nhận biết dấu hiệu nguy hiểm cho trẻ cũng như sự giám sát của phụ huynh còn rất hạn chế. Đồng thời, việc thiếu sân chơi cho trẻ em cũng như đa số trẻ em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ đuối nước cho trẻ trên địa bàn trong thời gian qua.

Ông Rơ Châm Uk-Chủ tịch UBND xã Ia Sao, huyện Ia Grai cho biết: “Các hồ nước trên địa bàn hầu hết được dân tự đào làm hồ tích nước tưới tiêu rất sâu, công tác quản lý khu vực này bỏ ngỏ. Sân chơi cho trẻ lại không có nên các em thường rủ nhau ra sông, suối, hồ để tắm  đó là nguyên nhân dẫn đến vụ đuối nước làm 4 trẻ tử vong trên địa bàn vừa qua”.

Chung tay phòng-tránh đuối nước


Trước thực trạng đau buồn và đáng báo động về nạn đuối nước ở trẻ, ngành giáo dục tỉnh cùng phối hợp chính quyền các địa phương đưa ra các giải pháp hữu hiệu. Trong đó, xây dựng bể bơi thông minh cùng với giáo viên giảng dạy được đề cập và triển khai thí điểm tại một số địa phương trong tỉnh.


Niềm vui có một sân chơi an toàn cho trẻ được thỏa mãn, trong tháng 7 này có 3 bể bơi thông minh đưa vào sử dụng ngay trong trường học dưới sự quản lý của nhà trường tại huyện Chư Pah và thị xã Ayun Pa.

Các bể bơi này là một trong những mô hình phòng-chống đuối nước sáng tạo, hấp dẫn giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống. Bên cạnh đó, các em còn được tham gia khóa học “Bơi an toàn” với hướng dẫn trực tiếp của giáo viên thể dục.

“Từ trước đến nay em không được đi bơi, bây giờ trường đã xây hồ bơi rồi, em sẽ về nói ba mẹ cho em đi học bơi để nâng cao sức khỏe và phòng tránh tai nạn đuối nước”- em Phạm Văn Tuấn- lớp 5B, Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah hứng khởi nói.

Bà Trần Thị Ngọc Lan-Thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah chia sẻ: “Phần lớn các gia đình ở nông thôn, làm nông nghiệp, ít thời gian quan tâm tới con em mình do vậy các cháu chưa được trang bị các kỹ năng và nhận biết những mối nguy hiểm. Khi có bể bơi thông minh tại trường học với khóa học bơi an toàn cho trẻ, tôi rất yên tâm và sẽ cho con đi học để nâng cao sức khỏe, có thêm kỹ năng tránh xảy ra sự việc đau buồn vì không biết bơi”.

Được sự giám sát, huấn luyện trẻ tự tin khi tiếp cận dưới nước. Ảnh: Q.H
Được sự giám sát, huấn luyện trẻ tự tin khi tiếp cận dưới nước. Ảnh: Q.H

Nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước. Ông Phạm Văn Căn-Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết: “Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường phòng chống đuối nước và xã hội hóa bể bơi thông minh cho các trường. Đồng thời có văn bản chỉ đạo từ năm 2010 đưa môn dạy bơi vào trong nhà trường, qua đó đã có một số địa phương triển khai xây dựng bể bơi ngay tại trường học thời gian qua. Sắp đến, Sở GD-ĐT tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân xã hội hóa bể bơi thông minh cho các trường phục vụ cho công tác phòng-chống đuối nước, ban hành quy định xuống các trường, đảm bảo an toàn cho các cháu không xảy ra bất kỳ tai nạn trong quá trình bơi”.

Cùng các địa phương, trên địa bàn TP. Pleiku hiện có 10 hồ bơi công cộng đang hoạt động, một số điểm đầu tư sân chơi, hồ hiện đại với đầy đủ trò chơi mang tính vận động cao cho trẻ như khu vui chơi, sân bóng đá mini- bể bơi như Hoàng Phát, Seven Land, Kiên Cường, Dream Land... Các hoạt động trên góp phần phục vụ nhu cầu học bơi, giải trí của trẻ cũng như nâng cao thể chất lứa tuổi học sinh ngay tại sân trường trong dịp khai trường sắp đến.

Quang Huy

Có thể bạn quan tâm