Gia Lai: Có thể loại trừ bệnh phong vào năm 2015

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để xác định chính xác kết quả điều trị cho bệnh nhân mắc phong tại các địa phương trong tỉnh, từ ngày 20-11 đến 15-12 các cán bộ y tế tại Khoa Da liễu- Trung tâm Phòng- chống Bệnh xã hội tỉnh đã phối hợp cùng các trung tâm y tế, trạm y tế xã tại 14 huyện có bệnh nhân phong để tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình trạng của từng ca bệnh được điều trị trong thời gian qua; đã khám, xác định chi tiết bệnh cảnh của 563 bệnh nhân. Qua đây giúp cho ngành Y tế lập được biểu đồ bệnh phong tại từng địa phương nhằm có kế hoạch chi tiết cho đợt cao điểm trong công tác loại trừ bệnh phong ở cộng đồng trong 3 năm cuối của dự án.

Ông Bùi Ngọc Dũng- Trưởng khoa Da liễu- Trung tâm Phòng- chống Bệnh xã hội tỉnh cho biết: Với sự chỉ đạo của ngành Y tế và sự phối hợp tích cực của từng địa phương đã giúp cho công tác rà soát, tuyên truyền hiểu biết về bệnh phong tiến hành được thuận lợi. Trong năm 2011, số bệnh nhân phong mắc mới trong cộng đồng giảm đáng kể, chỉ với 28 bệnh nhân được phát hiện, đẩy chỉ số bệnh nhân mới xuống còn 2,1/100.000 dân và đưa tỷ lệ lưu hành bệnh cuối năm nay còn 0,19/10.000 dân.

Tuyên truyền nhận biết bệnh phong tại trường học. Ảnh: Nguyễn Giác
Tuyên truyền nhận biết bệnh phong tại trường học. Ảnh: Nguyễn Giác

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên, ngoài sự vào cuộc của toàn ngành Y tế thì sự phối hợp của các cấp chính quyền tuyến xã đã giúp cho công tác tuyên truyền, vận động người dân nơi có bệnh nhân phong sinh sống hiểu biết cách phát hiện bệnh trong thời gian đầu. Anh Byới- cán bộ Đoàn làng Đak Pơ Nan, xã Kon Thụp (huyện Mang Yang) là một cá nhân tích cực trong việc tuyên truyền phòng- chống bệnh phong tại cộng đồng. Anh Byới cho biết: Qua tham gia lớp tập huấn và sự chỉ đạo của xã, tôi cùng các cán bộ y tế của thôn kết hợp tuyên truyền trong dân làng về nguy hiểm của bệnh phong cũng như cách phòng- chống bệnh để người dân hiểu và không còn sợ căn bệnh này, giúp người bệnh có công việc làm phù hợp, có thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh công tác kiểm tra, đánh giá và điều trị bệnh nhân phong đúng phác đồ, đúng thời gian quy định, Trung tâm Phòng- chống Bệnh xã hội tỉnh thường xuyên nắm bắt thông tin ở tuyến dưới trong việc quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc cho bệnh nhân phong. Hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi các cơn phản ứng phong và dị ứng thuốc để kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị; riêng với những trường hợp phản ứng nặng được chuyển về Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa để kịp thời điều trị.

Điều quan tâm nhất hiện nay trong công tác này là số bệnh nhân phong vẫn còn nhiều, số lượng bệnh nhân phong mới hàng năm còn cao so với các tỉnh trong khu vực; bệnh nhân phong còn tiềm ẩn nhiều trong cộng đồng; tỷ lệ lưu hành bệnh phong qua các năm ở mức cao; nhận thức về bệnh phong trong cộng đồng tại nhiều vùng còn hạn chế, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mạng lưới cán bộ chống phong ở tuyến huyện, xã còn yếu về nhân lực và công tác chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều chương trình… Đây là khó khăn để phấn đấu hạ thấp tỷ lệ người mắc bệnh phong trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2012 và những năm tiếp theo, các cán bộ Khoa Da liễu- Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh lập kế hoạch chi tiết, đồng thời phối hợp cùng Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa tổ chức thực hiện kế hoạch phòng-chống bệnh phong. Trong đó, ưu tiên nguồn lực, vật lực đẩy mạnh các hoạt động phòng- chống phong tập trung cho 8 huyện có tình hình dịch tễ bệnh phong chưa ổn định: Mang Yang, Chư Sê. Chư Prông, Ia Grai, Kông Chro, Ia Pa, Đức Cơ, Phú Thiện nhằm khống chế các nguồn lây, hạ thấp tỷ lệ phát hiện, tỷ lệ lưu hành trong cộng đồng, cũng như việc nâng cao nhận thức về bệnh phong trong xã hội góp phần đẩy lùi bệnh phong theo đúng chỉ tiêu đề ra.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm