(GLO)- Sau thời gian vận hành thử nghiệm hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa, sáng 22-3, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Thông tin truyền thông tại một số tỉnh, thành phố tổ chức Lễ công bố chính thức vận hành chẩn đoán bệnh từ xa- giai đoạn thí điểm thông qua hệ thống trực tuyến. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai được chọn là đầu cầu đại diện cho khu vực Tây Nguyên.
Đầu cầu tham gia hệ thống điều trị trực tuyến tại Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác |
Tham gia dự án chẩn đoán, chữa bệnh từ xa lần này có 3 bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh là Bệnh viện Nhi Đồng 1, Phụ sản Từ Dũ, Chấn thương chỉnh hình.
Thông qua hệ thống hội nghị trực tuyến, các bệnh viện tuyến hỗ trợ sẽ đảm trách nhiệm vụ chuyên môn và cử đội ngũ chuyên gia, bác sỹ có trình độ chuyên khoa, phối hợp cùng kỹ thuật viên công nghệ thông tin trực xử lý 24/24 khi tuyến dưới yêu cầu cần giúp đỡ.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp cận trang-thiết bị y khoa hiện đại. Ảnh: Nguyễn Giác |
Với điều kiện khó khăn của tỉnh Gia Lai, trang bị vật chất thiết bị y tế, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ còn hạn chế, thì việc triển khai vận hành hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho bệnh nhân được điều trị với điều kiện tốt nhất, giúp giảm bớt thời gian, công sức và tiền của.
Theo bác sĩ Bạch Anh Hùng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Một khi hệ thống được vận hành sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân và người dân nơi được hưởng thụ dự án, trong đó vấn đề về chi phí di chuyển, điều trị cho bệnh nhân sẽ giảm đi rất nhiều và hiệu quả mang lại sẽ không khác nhiều so với điều trị trực tiếp tại các bệnh việc tuyến trên. Trong quá trình triển khai, các bác sĩ tuyến dưới sẽ từng bước được nâng cao trình độ chuyên môn, đủ khả năng để xử lý các bệnh khó, phức tạp một cách độc lập và sẽ giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay tại các bệnh viện lớn.
Nguyễn Giác