Gia Lai: Cuối năm lại lo bệnh dịch bùng phát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2015, có thể xem là một năm khó khăn của ngành Y tế nói chung và y tế dự phòng Gia Lai nói riêng khi phải đối đầu với nhiều bệnh dịch diễn biến khó lường, đỉnh điểm là dịch sốt xuất huyết lan rộng. Những ca tai biến liên quan đến vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) trong chương trình tiêm chủng trên một số tỉnh thành trong cả nước dẫn đến chuỗi phản ứng lo sợ dây chuyền khiến tỷ lệ tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng khó đạt như yêu cầu đề ra… Không chỉ vậy, do bỏ tiêm vắc xin, không tiêm vắc xin đúng lịch, đúng liều… nhiều bệnh tưởng chừng đã loại trừ đang có nguy cơ quay trở lại…

Sốt xuất huyết diễn biến khó lường

Tại Gia Lai, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay do nằm trong chu kỳ dịch nên số ca mắc SXH tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến giữa tháng 11-2015, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 2.000 ca mắc SXH, trong đó có 1 ca tử vong tại huyện Chư Pưh. Các địa phương có số ca mắc SXH cao như: TP. Pleiku với trên 500 ca, tiếp theo là huyện Chư Pưh trên 400 ca, huyện Đak Pơ, Kông Chro, Đak Đoa, thị xã An Khê…

 

Tiêm chủng đầy đủ giúp trẻ phòng bệnh một cách hiệu quả. Ảnh: Quang Vũ
Tiêm chủng đầy đủ giúp trẻ phòng bệnh một cách hiệu quả. Ảnh: Quang Vũ

Công tác phòng-chống SXH dù đã được dự lường, chủ động lên kế hoạch ngay từ đầu năm nhưng khi triển khai vẫn vấp phải nhiều khó khăn nhất định trong đó sự chủ quan, thờ ơ của người dân trong công tác phòng-chống dịch cũng như sự phối hợp chưa đồng bộ giữa chính quyền địa phương và ngành Y tế dẫn đến bệnh SXH diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương để bệnh bùng phát trên diện rộng, lây lan nhanh.

Theo đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tình hình SXH đã và đang có dấu hiệu chững lại điển hình như số ca mắc mới giảm dần so với thời gian trước. Tuy nhiên, việc phòng-chống bệnh SXH vẫn không thể chủ quan, lơ là, công tác giám sát cần triển khai thường xuyên, chặt chẽ… Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Đến nay, Trung tâm đã xuất cấp trên 1.100 lít hóa chất cho các địa phương hỗ trợ cho công tác phòng-chống SXH. Tuy nhiên hiện nay rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương và nhất là sự cộng đồng trách nhiệm của người dân để công tác phòng-chống SXH đạt hiệu quả cao trong thời gian đến”.

Tỷ lệ tiêm chủng khó đạt yêu cầu đề ra


Không chỉ bệnh SXH bùng phát mạnh mà năm 2015, tình hình dịch bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Một số bệnh tưởng đã loại trừ nay có nguy cơ gia tăng trở lại do nguyên nhân chủ quan của người dân. Trong số này, một số bệnh có thể phòng bệnh một cách hữu hiệu bằng cách tiêm vắc xin như: ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm não… nhưng do nhiều trẻ bỏ tiêm, tiêm chủng không đầy đủ khiến bệnh có nguy cơ quay trở lại.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 ca bạch hầu (1 ca tử vong); ngoài ra, đang theo dõi bạch hầu có 4 ca; 1 trường hợp tử vong do uốn ván sơ sinh, 10 ca nghi ngờ uốn ván sơ sinh, ngoài ra có 4 ca mắc uốn ván (không phải uốn ván sơ sinh), trong đó 2 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận 3 trường hợp ho gà; 17 trường hợp viêm màng não mủ trong đó có 5 trường hợp tử vong, ghi nhận 88 trường hợp nghi viêm não vi rút (10 ca viêm não vi rút xác định bằng xét nghiệm) và 4 trường hợp tử vong nghi ngờ viêm não vi rút…

Phản ứng lo sợ dây chuyền trong thời gian gần đây liên quan đến những tai biến đối với vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến tỷ lệ tiêm chủng khó đạt chỉ tiêu đề ra. “Việc tuyên truyền ồ ạt trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua liên quan về vấn đề vắc xin đã và đang gây ra nhiều mặt tiêu cực trong đó nhiều thông tin sai lệch, chưa chính xác dẫn đến sự lo lắng, e ngại tiêm vắc xin của người dân. Nhiều ca tai biến không phải do vắc xin mà do trùng hợp bệnh lý nhưng do cơ quan truyền thông đưa tin một cách nhanh chóng trong khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn dẫn đến những hệ quả đáng tiếc. Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đúng liều do tâm lý e ngại của người thân…”-ông Hồ Ngọc Gia thẳng thắn nêu quan điểm.

Càng về cuối năm, dự lường tình hình dịch bệnh sẽ càng có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi công tác phòng-chống bệnh phải được triển khai chặt chẽ. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, ngoài tập trung cho công tác phòng-chống SXH thì công tác phòng-chống bệnh bạch hầu cũng đang được triển khai một cách quyết liệt do nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi dịch đã xuất hiện tại Lào, trong đó một số tỉnh giáp Việt Nam đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu.

“Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi. Đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm dịch rất dễ bùng phát và lây lan nhanh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ cũng có thể gặp ở người lớn nếu chưa có miễn dịch. Để phòng-chống bệnh bạch hầu hiệu quả, các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu như Quinvaxem hoặc DTP (bạch hầu-ho gà-uốn ván) đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Võ Gia Bắc khuyến cáo.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm