Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai đạt mức tăng trưởng khá trong điều kiện cực kỳ khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 19-11, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại năm 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

15/21 chỉ tiêu đạt và vượt

Tại hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự phấn khởi về những kết quả đạt được trong năm 2020. Bởi lẽ, tuy bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và thiên tai nhưng UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ; dự ước đạt và vượt 15/21 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho rằng, đây là kết quả từ sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, ngành, nhân dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp. Trong đó, tiêu biểu như ngành nông nghiệp đã có những bứt phá ấn tượng với giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 ước thực hiện 30.186 tỷ đồng (đạt 100,52% kế hoạch, tăng 5,84% so với năm 2019 và đạt 100% so với kịch bản sau dịch Covid-19).

Nền công nghiệp của tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực với giá trị sản xuất ước đạt 22.519 tỷ đồng (tăng 6,61% so với năm 2019). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 30.000 tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch, tăng 15,39% so với năm ngoái).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Thi


Cũng liên quan đến ngành nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa thông tin thêm: Năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tỉnh và các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhiệt tình tham gia. Dự kiến đến cuối năm, toàn tỉnh có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 88 xã (bình quân đạt 15,78 tiêu chí/xã); có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có thêm 56 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số thôn, làng đạt chuẩn lên 97.

Ngành cũng đã triển khai đánh giá 104 sản phẩm OCOP của các địa phương; dự kiến cuối năm nay có thêm 80 sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh lên con số 122. Các địa phương, đơn vị chủ rừng cũng tích cực triển khai kế hoạch trồng rừng; dự kiến năm 2020, toàn tỉnh trồng được 5.000 ha rừng (đạt 100% kế hoạch). Về công tác khắc phục thiên tai, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Trung ương xem xét hỗ trợ 145 tỷ đồng để khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng và hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Dự ước đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.150 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 9.150 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp lên con số 7.008 với tổng vốn đăng ký 103.915 tỷ đồng; thành lập mới 37 hợp tác xã, nâng tổng số lên 300 hợp tác xã với 17.724 thành viên và giải quyết việc làm cho 1.857 lao động; thành lập 29 nông hội tại 17 huyện, thị xã, thành phố với 1.122 hội viên.

Việc triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và hợp tác xã được đẩy mạnh. Tình hình kêu gọi đầu tư có chuyển biến tích cực khi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) và chỉ số cải cách hành chính (Par Index) cấp tỉnh được cải thiện theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, công tác phòng-chống dịch Covid-19 được chỉ đạo quyết liệt, phù hợp với tình hình; bệnh bạch hầu được khống chế; việc phòng-chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và sâu bệnh trên cây trồng được đảm bảo, không để lây lan. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa-thể thao và du lịch, thông tin-truyền thông, lao động-thương binh và xã hội, khoa học-công nghệ, dân tộc-tôn giáo… tiếp tục có bước phát triển.

Dự kiến đến cuối năm 2020, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ước đạt 2,54% (tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 6,25%. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí…

Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021

Đối với 6 chỉ tiêu gồm: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; số lao động được đào tạo việc làm mới, nhiều đại biểu nhận định, mặc dù chưa đạt nhưng hầu hết kết quả nằm ở mức tiệm cận, tăng so với năm trước và đều đạt chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng sau dịch Covid-19.

Cụ thể: tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2020 tăng 6,3% so với năm 2019; GRDP bình quân đầu người đạt 51,9 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 580 triệu USD (tăng 16%); thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 4.628,4 tỷ đồng (tăng 1,8%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 75.000 tỷ đồng (tăng 7,78%)...

Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích, đánh giá, hội nghị cũng đã tập trung bàn giải pháp để khắc phục nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2021. Liên quan đến công tác thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng đề nghị: “Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, mong các đơn vị, địa phương phân tích, đánh giá toàn bộ những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và các phát sinh để định lượng và xây dựng dự toán thu ngân sách, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra”.

Đại tá Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh cũng đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Theo đó, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình để dự báo, tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể, chính quyền làm tốt công tác đấu tranh, tố giác tội phạm; triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, an ninh kinh tế, tăng cường an ninh mạng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, biên phòng làm tốt công tác nắm chắc biên giới, ngoại biên; phối hợp với ngành Giao thông-Vận tải tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí…

Đại diện lãnh đạo một số ngành, địa phương cũng đề xuất, kiến nghị liên quan đến các nội dung như: quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Chiến thắng Plei Me (huyện Chư Prông), thiếu 140 phòng học cho học sinh ở huyện Chư Pưh, bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng cơ bản ở Pleiku; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

Lý giải về tình trạng thiếu phòng học cho học sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định phân tích: “Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh phải học 2 buổi/ngày. Theo đó, số phòng học phải bằng số lớp. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay, số phòng học bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt 0,84 phòng/lớp nên không chỉ riêng gì huyện Chư Pưh mà hầu như tất cả địa phương trong tỉnh đều thiếu. Theo lộ trình thực hiện, đến năm học 2022-2023 sẽ thay sách giáo khoa cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10, nếu không được đầu tư bổ sung sẽ thật sự khó khăn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Hồng Thi


Trước khi diễn ra hội nghị, các đại biểu đã tham gia ủng hộ đồng bào cả nước khắc phục hậu quả mưa bão với số tiền gần 20 triệu đồng.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh, dù năm 2020 tỉnh thực hiện một số chỉ tiêu không đạt nhưng cũng được xem là tăng trưởng khá trong điều kiện cực kỳ khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm tiếp tục rà soát những nhiệm vụ chưa hoàn thành để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất, đặc biệt là thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giảm tỷ lệ hộ nghèo...; nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là hỗ trợ giống cây trồng để người dân phục hồi sản xuất trong thời gian tới; chuẩn bị tốt cho các hoạt động kết thúc năm và Tết Nguyên đán; lập thành tích thi đua hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến tới thực hiện chính quyền điện tử.

Đối với nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương ngay từ quý I phải xây dựng kế hoạch cụ thể căn cứ vào 4 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, làm cơ sở để triển khai thực hiện; đồng thời, phân bổ ngay các chỉ tiêu năm 2021 sau khi HĐND tỉnh thông qua, đề ra giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm người đứng đầu và công tác kiểm tra, kiểm soát.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với thị xã An Khê tổ chức công bố Di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá được công nhận là Di tích cấp quốc gia; xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức Festival Cồng chiêng vào năm 2021. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp để phấn đấu tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 70% vào năm 2021; phủ kín quy hoạch đô thị, nhất là các vùng đô thị mới phát triển.

 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm