Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai gỡ khó trong phân luồng học sinh phổ thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học là một trong những nội dung quan trọng nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác này ở Gia Lai vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Tỷ lệ phân luồng còn thấp

Triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2134/KH-UBND ngày 26-9-2019 về thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019­-2025. Sau 3 năm triển khai, Đề án đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và lồng ghép vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Ngành GD-ĐT tỉnh cũng đã đạt được mục tiêu chung là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần tạo chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với sở trường, năng lực học sinh và tình hình kinh tế của gia đình và đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai trong một tiết thực hành về nghiệp vụ nhà hàng-khách sạn. Ảnh: Mộc Trà
Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai trong tiết thực hành về nghiệp vụ nhà hàng-khách sạn. Ảnh: Mộc Trà


Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phân luồng học sinh phổ thông ở Gia Lai hiện đối mặt với không ít khó khăn. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh có 4.415/63.375 học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 6,97%); 9.922/36.263 học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào học cao đẳng và trung cấp nghề (chiếm 27,36%). So với mục tiêu phấn đấu mà UBND tỉnh đề ra, kết quả này là khá thấp.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 522 diễn ra ngày 25-10, các sở, ngành, đơn vị trường học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến mục tiêu phân luồng chưa đạt như mong muốn. Theo đó, công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông còn mang tính hình thức; giáo viên giảng dạy giáo dục hướng nghiệp đa phần kiêm nhiệm; một số nội dung trong chương trình giáo dục hướng nghiệp chưa đáp ứng được công tác giáo dục hướng nghiệp hiện nay. Dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trên thị trường lao động còn chung chung… “Nhiều phụ huynh chưa nhận thức và đánh giá đúng thực lực của con mình, còn tâm lý chuộng bằng cấp và phải cho con học đại học. Việc chọn nghề của học sinh còn mang tính may rủi, thiếu thông tin, theo sự áp đặt của người lớn… nên dẫn đến nghề được chọn chưa phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và nhu cầu việc làm sau khi ra trường”-Trưởng phòng Giáo dục trung học, Giáo dục chính trị và Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) Hà Ngọc Dư nhận định.

Bên cạnh đó, Gia Lai là tỉnh miền núi, học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 46% nên công tác phân luồng sau THCS và THPT cũng gặp những hạn chế nhất định. Ông Nguyễn Thanh Phong-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro-nêu thực trạng: “Dù các trường THCS đã có nhiều nỗ lực trong công tác tư vấn hướng nghiệp, song đa phần học sinh dân tộc thiểu số đều có tâm lý ngại đi xa, không muốn theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nằm ngoài huyện, trong khi đó ở địa phương lại không có cơ sở nào. Cuối cùng, các em vẫn lựa chọn học tiếp lên THPT, chỉ một số ít là chuyển sang học nghề làm tóc, sửa xe… tại địa phương”.

Thầy Phan Danh-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Krong (huyện Kbang) thông tin: Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần học sinh lớp 9 là nguồn lao động của gia đình. Vì vậy, nhiều em sau khi tốt nghiệp THCS quyết định không học tiếp mà ở nhà tham gia lao động sản xuất phụ giúp cha mẹ. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ huynh còn hạn chế, hoàn cảnh khó khăn không đảm đương được chi phí nên rất ít học sinh tiếp tục học THPT hay học nghề. Học sinh của trường cũng thiếu cơ hội được trải nghiệm và tham gia vào các hoạt động định hướng nghề nghiệp tương lai như ở vùng thuận lợi.

Triển khai thực hiện Đề án 522, Trường Cao đẳng Gia Lai đã chú trọng điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và nhu cầu thị trường lao động. Giai đoạn 2019-2021, nhà trường đã đào tạo 1.537 sinh viên cao đẳng, 2.471 học sinh trung cấp; dạy nghề cho 989 lao động nông thôn và dạy nghề phổ thông cho 5.297 học sinh. Tuy nhiên, nếu xét số học sinh sau THCS và sau THPT tham gia học trung cấp, cao đẳng tại trường thì tỷ lệ còn khá thấp, lần lượt là 2,87% và 3,13%.

Thầy Nguyễn Minh Nhựt-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-phân tích: Hiện nay, việc dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Học sinh tốt nghiệp THCS vừa học chương trình trung cấp nghề, vừa muốn đăng ký học chương trình văn hóa THPT nhưng đa phần các em lại có học lực yếu, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Nếu thực hiện đồng thời 2 chương trình, đồng nghĩa với việc khối lượng học tập tăng gấp đôi sẽ dẫn đến chất lượng học tập không đảm bảo, các em rất khó hoàn thành chương trình theo dự kiến ban đầu. Ngoài ra, thời gian đào tạo trung cấp là 2 năm, văn hóa THPT là 3 năm nên ảnh hưởng đến việc học của các em trong năm thứ 3. Chương trình thực tập doanh nghiệp cho học sinh học trung cấp nghề cũng sẽ gặp khó vì trùng thời gian do chương trình học văn hóa THPT sẽ phải thực hiện liên tục 2 học kỳ trong năm theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Chung tay gỡ khó

Trước thực trạng này, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chung tay thực hiện hiệu quả Đề án 522 trong giai đoạn 2022-2025, nhất là phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra về công tác phân luồng học sinh phổ thông. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cho biết: Ngành GD-ĐT sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên làm nòng cốt trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục; lồng ghép nội dung các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, tìm hiểu thế giới nghề nghiệp… cho học sinh phổ thông để giúp các em có định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp. Các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh với phương thức, hình thức tổ chức phong phú hơn.

 Học sinh lớp 9 của Trường THCS Quang Trung (huyện Kông Chro) tham quan một vườn ươm trên địa bàn trong giờ hoạt động giáo dục hướng nghiệp vào ngày 15-10 vừa qua. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh lớp 9 của Trường THCS Quang Trung (huyện Kông Chro) tham quan một vườn ươm trên địa bàn trong giờ hoạt động giáo dục hướng nghiệp vào ngày 15-10 vừa qua. Ảnh: Mộc Trà
Theo Kế hoạch số 2134/KH-UBND, đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%); ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng (các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%).

Còn Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Thanh Hải thì cho rằng, các trường THCS cần quan tâm định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ năm lớp 8 để tăng hiệu quả phân luồng sau tốt nghiệp THCS. Đồng thời, ông Hải cũng khẳng định: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các quy định, chính sách khuyến khích đối với học sinh tham gia học nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết việc làm; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp…

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và các tổ chức cơ sở Đoàn cũng thể hiện quyết tâm vào cuộc cùng với ngành GD-ĐT và các ngành, đơn vị liên quan. “Chúng tôi cũng sẽ tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức Đoàn tại các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và thu hút học sinh trung học sau khi tốt nghiệp vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, cuộc thi… về tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia, nhà lãnh đạo, doanh nghiệp uy tín. Ngoài ra, tích cực kết nối, vận động nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia vào hoạt động này”-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Duy Nam cho hay.

Bên cạnh các sở, ngành, nhiều trường học cũng chủ động triển khai giải pháp gỡ khó phù hợp với đơn vị và điều kiện tại địa phương. Cô Nguyễn Thị Tình-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số của trường chiếm trên 80%, chất lượng tuyển sinh đầu vào rất thấp; nhiều gia đình học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Số em có khả năng vào đại học hàng năm đều dưới 15%. Chính vì thế, nhà trường chú trọng tư vấn, định hướng cho các em vào học tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh với những ngành nghề như: kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật điện-điện tử, điện công nghiệp, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y… Còn lại khoảng 40% học sinh ở lại địa phương, nhà trường tư vấn cho các em theo học nghề tại những cơ sở làm nghề tư nhân hoặc về gia đình tự trồng trọt, chăn nuôi”.

Thầy Nguyễn Mộng Cường-Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (thị trấn Kông Chro) cũng thông tin: Năm học 2022-2023, toàn trường có 150 học sinh lớp 9. Để đảm bảo tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, bên cạnh thông tin, tuyên truyền, nhà trường tiếp tục tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cho học sinh tham quan một số mô hình sản xuất, kinh doanh, tham gia các chương trình ngày hội việc làm nhằm giúp các em  có cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm