Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Gỡ "nút thắt" trong phân bổ ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, dư luận lùm xùm liên quan đến nguồn vốn hơn 33 tỷ đồng phân bổ dự toán chi của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) năm 2017 giữa Sở GD-ĐT và Sở Tài chính. Mới đây, Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với 2 cơ quan này để làm rõ vấn đề nêu trên.

Theo báo cáo giải trình việc phân bổ dự toán chi của ngành GD-ĐT năm 2017, Sở GD-ĐT được phân bổ dự toán ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo là 388,226 tỷ đồng. Căn cứ văn bản thẩm tra của Sở Tài chính, Sở GD-ĐT đã phân bổ dự toán ngân sách năm 2017 thành 7 hạng mục gồm: tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp theo mức lương là 268,905 tỷ đồng; chi khác theo định mức/lớp học là 48,588 tỷ đồng; chi chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số ở 2 trường nội trú tỉnh và Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai là 15,101 tỷ đồng; chi hỗ trợ đào tạo cử tuyển học sinh của tỉnh là 4 tỷ đồng; chi vốn đối ứng dự án phát triển giáo dục mầm non là 200 triệu đồng; chi hoạt động nghiệp vụ tại Sở GD-ĐT là 18,4 tỷ đồng; chi hoạt động nghiệp vụ là 33,032 triệu đồng.

 

Học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Sen (huyện Kbang) được học tập trong môi trường giáo dục toàn diện.                    Ảnh: N.G
Học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Sen (huyện Kbang) được học tập trong môi trường giáo dục toàn diện. Ảnh: N.G

Tại Văn bản số 36/TT-SGDĐT ngày 6-1-2017 của Sở GD-ĐT đề nghị Sở Tài chính thẩm tra dự kiến phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017, khoản kinh phí hơn 33 tỷ đồng nói trên nằm ở mục chi hoạt động nghiệp vụ. Sở GD-ĐT không đề xuất phân bổ nguồn vốn hơn 33 tỷ đồng này để sửa chữa trường lớp, mua sắm trang-thiết bị dạy học. Tuy nhiên, Văn bản thẩm tra số 49/STC-HCSN ngày 10-1-2017 của Sở Tài chính lại phân bổ hơn 33 tỷ đồng cho 39 đơn vị mua sắm trang-thiết bị dạy học và sửa chữa trường học. Mặc dù thấy có vướng mắc trong nhiệm vụ chi nhưng để đảm bảo thời gian phân bổ, giao dự toán ngân sách theo đúng quy định và kịp thời chi trả lương cho cán bộ, giáo viên trước Tết Đinh Dậu nên Giám đốc Sở GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-SGĐT giao dự toán ngân sách cho các đơn vị dự toán cấp III trực thuộc, trong đó có khoản kinh phí hơn 33 tỷ đồng sửa chữa trường học và mua sắm trang-thiết bị dạy học theo văn bản thẩm định của Sở Tài chính. Sau đó, Sở GD-ĐT cho rằng chi như vậy là không đúng nội dung, nhiệm vụ và quyền hạn chi, sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác kiểm toán tại Sở GD-ĐT nên đã báo cáo UBND tỉnh về việc phân bổ, giao dự toán chi số tiền 33 tỷ đồng nói trên để xin ý kiến chỉ đạo.

Trong thời gian chờ quyết định của UBND tỉnh, ngày 27-2-2017, Sở GD-ĐT ban hành Công văn số 268/SGDĐT-KHTC đề nghị các đơn vị trực thuộc chưa triển khai mua sắm, sửa chữa từ nguồn kinh phí hơn 33 tỷ đồng. Ngày 3-5-2017, Văn phòng UBND tỉnh có Văn bản số 836/VP-KT về việc phân bổ và triển khai thực hiện dự toán năm 2017 của ngành GD-ĐT, nêu rõ: Ngày 18-4-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng có buổi làm việc nghe Sở GD-ĐT báo cáo về việc phân bổ và triển khai thực hiện dự toán năm 2017 của ngành GD-ĐT. Tham gia cuộc họp có Sở Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh. Sau khi nghe Sở GD-ĐT báo cáo và ý kiến thống nhất của các đại biểu tham gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng chỉ đạo không phân bổ hơn 33 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho các đơn vị dự toán cấp III trực thuộc Sở GD-ĐT để trang bị đồ dùng dạy học và sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp vì trong dự toán chi ngân sách năm 2017 đã bố trí 8 tỷ đồng kinh phí sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ trường lớp học và 30 tỷ đồng kinh phí đầu tư trường học thông minh theo tiêu chuẩn trường học quốc gia. Ngay sau đó, Sở GD-ĐT ban hành Công văn số 715/SGDĐT-KHTC chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không triển khai mua sắm, sửa chữa bằng nguồn vốn nói trên.

Ngày 5-5-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng tiếp tục có buổi làm việc nghe Sở Tài chính báo cáo việc xử lý một số nguồn kinh phí. Ngày 11-5-2017, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục ban hành Văn bản số 975/VP-KT về việc xử lý một số nguồn kinh phí nêu rõ: Yêu cầu Sở Tài chính, Sở GD-ĐT thực hiện rút dự toán đã phân bổ đầu năm, giải trình việc bố trí nguồn kinh phí này và đề xuất xử lý cho các nhiệm vụ chi phù hợp theo quy định. Ngày 16-5-2017, Sở GD-ĐT ban hành Văn bản số 792/SGDĐT-KHTC về việc rút dự toán kinh phí sửa chữa, mua sắm năm 2017 thuộc nguồn vốn  hơn 33 tỷ đồng.

Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở GD-ĐT nói: “Theo Sở Tài chính, chúng tôi phân bổ nguồn vốn hơn 33 tỷ đồng để mua sắm trang-thiết bị dạy học và sửa chữa trường lớp là đúng nội dung, mục đích chi và đúng thẩm quyền nhưng chúng tôi thấy việc Giám đốc Sở GD-ĐT phân bổ nguồn vốn trên khi chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh là trái với quy định tại Điều 4, khoản 1.2 Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND tỉnh ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán. Do đó, Sở GD-ĐT báo cáo UBND xin ý kiến chỉ đạo cụ thể để tránh sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra tài chính tại Sở GD-ĐT”.

 

Ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo: “Trong vấn đề sửa chữa trường học và mua sắm trang-thiết bị dạy học, ngành Giáo dục-Đào tạo cần rất nhiều nguồn vốn nên không có chuyện Sở Giáo dục-Đào tạo cản nguồn vốn hỗ trợ như một số báo đã nêu”.

Về phía Sở Tài chính, ngày 22-5-2017, đơn vị này ban hành Văn bản số 1074/STC-HCSN về việc phân bổ dự toán chi của ngành GD-ĐT năm 2017 trình UBND tỉnh nêu rõ: Theo đề xuất bố trí kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, trường, lớp; mua sắm trang thiết bị dạy học của Sở GD-ĐT năm 2017 là 62,881 tỷ đồng. Nhưng căn cứ vào nguồn trung ương phân bổ và khả năng ngân sách địa phương, Sở Tài chính đã tổng hợp dự toán năm 2017 báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê chuẩn, trong đó có kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, trường lớp; mua sắm trang-thiết bị dạy học là hơn 33 tỷ đồng của Sở GD-ĐT. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, khi làm việc với Bộ Tài chính, Sở đã báo cáo đề xuất 30 tỷ đồng để đầu tư trường học thông minh theo tiêu chuẩn quốc gia và bố trí dự nguồn sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ trường, lớp học cho một số trường do còn thiếu hồ sơ là 8 tỷ đồng. Như vậy, khoản kinh phí 38 tỷ đồng không trùng với khoản kinh phí hơn 33 tỷ đồng nên nội dung chi mua sắm, sửa chữa đối với số tiền hơn 33 tỷ đồng là đúng mục đích. “Trong Quyết định số 951/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2017 cho các đơn vị dự toán cấp tỉnh không có nội dung phân bổ nguồn vốn hơn 33 tỷ đồng cho hoạt động nghiệp vụ như Sở GD-ĐT báo cáo nên không thể nói Sở Tài chính tự ý thay đổi nhiệm vụ chi”-ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính nói.

Trước sự không thống nhất nhiệm vụ chi giữa Sở GD-ĐT, Sở Tài chính và xem xét nhu cầu sửa chữa, mua sắm của ngành GD-ĐT, ngày 1-6-2017, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1222/VP-KT nêu rõ ý kiến của UBND tỉnh như sau: Giao Sở GD-ĐT thực hiện kiểm tra, rà soát hiện trạng và nhu cầu mua sắm, sửa chữa của các đơn vị trực thuộc, trên cơ sở đó phân bổ kinh phí thực hiện để triển khai theo đúng quy định. Hiện nay, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí đã được phân bổ từ nguồn vốn hơn 33 tỷ đồng để mua sắm trang-thiết bị và sửa chữa trường lớp.

Điều này đã mang tới niềm vui lớn cho ngành GD-ĐT bởi rất nhiều trường có nhu cầu mua sắm trang-thiết bị và sửa chữa nhà vệ sinh, nhà thi đấu đa năng, nhà xe, sân bê tông...

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm