Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai hợp tác trong lĩnh vực y tế: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với sự hỗ trợ từ y tế tuyến trên, những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã được tiếp nhận, chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn trong khám-chữa bệnh, qua đó giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật mới ngay tại tỉnh, giảm chi phí điều trị và góp phần giảm tải tuyến trên.
Ứng dụng hiệu quả nhiều kỹ thuật mới
Thực hiện văn bản thỏa thuận giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai về hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2017-2020, riêng trong lĩnh vực y tế, từ năm 2017 đến nay, các cơ sở khám-chữa bệnh của TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo bác sĩ, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho ngành Y tế Gia Lai, mang lại hiệu quả thiết thực.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những đơn vị  nhận chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong nhiều lĩnh vực như: Sản phụ khoa, Ngoại-Chấn thương chỉnh hình, Thận tiết niệu và mạch máu, các lĩnh vực thuộc các chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt, Chẩn đoán hình ảnh… Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-thông tin: Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được chuyển giao các kỹ thuật về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, thay khớp háng bán phần, nội soi cắt hoạt mạc viêm khớp gối, nội soi cắt sụn chêm, nội soi lọc sụn khớp gối… Ở lĩnh vực sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về phẫu thuật cắt u xơ tử cung qua nội soi ổ bụng; cắt tử cung toàn phần bằng nội soi. Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh) chuyển giao lĩnh vực cấp cứu đột quỵ não; Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh) chuyển giao kỹ thuật tán sỏi ngoài da...

Ký kết hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong khám chữa bệnh giữa TP.HCM và Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Ký kết hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong khám-chữa bệnh giữa TP.HCM và Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
“Sau khi tiếp nhận chuyển giao, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng thực tiễn nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, hạn chế tình trạng chuyển tuyến. “Trong năm 2020, Bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động đơn vị điều trị đột quỵ não, đơn vị tán sỏi ngoài da và tán sỏi qua laser nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh”-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay.
Tại Bệnh viện Nhi Gia Lai, việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật trong khám-chữa bệnh cũng giúp đội ngũ y-bác sĩ ngày càng hoàn thiện kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn. Theo bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện, đơn vị đã nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn trong cấp cứu, hồi sức sơ sinh; chăm sóc và điều trị tích cực sơ sinh; các lĩnh vực ngoại khoa… “Qua tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật chuyên môn và ứng dụng thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực trong khám-chữa bệnh tại đơn vị”-bác sĩ Từ Thị Mai Linh nói.
Tiến tới điều trị chuyên sâu về tim mạch
Ngoài hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong khám-chữa bệnh giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai, việc triển khai thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh Tim mạch, Ung bướu và Y học hạt nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2016-2020 cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Trong lĩnh vực tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập được Khoa Tim mạch và đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018. 

 Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật cắt tử cung toàn phần bằng nội soi cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: N.N
Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật cắt tử cung toàn phần bằng nội soi cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: N.N


Bác sĩ chuyên khoa II Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Khoa Tim mạch hiện có 43 nhân viên, trong đó có 11 bác sĩ. Khoa được biên chế 50 giường bệnh nhưng thực kê là 60 giường. Từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa đã thu dung và điều trị cho gần 4.000 lượt bệnh nhân. Khoa đã được Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao và đã ứng dụng tốt các gói kỹ thuật cấp cứu tim mạch, tim mạch cơ bản, holter huyết áp, holter điện tim, siêu âm tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, chăm sóc bệnh nhân tim mạch. Ngoài các kỹ thuật trên, Khoa đã triển khai quy trình xử trí các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp đi vào thường quy, qua đó đảm bảo “giờ vàng” trong cấp cứu tim mạch, góp phần cứu sống tính mạng người bệnh. Đến nay đã có 15 trường hợp được cấp cứu thành công.
Là một trong những bệnh nhân được phẫu thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Trịnh Duy Bình (thôn 6, xã Diên Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi bị chậm nhịp tim do suy nút xoang. Tháng 8-2018, tôi được phẫu thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước đây, tôi thường xuyên đau tức ngực, sức khỏe kém. Sau hơn 1 năm đặt máy kết hợp dùng thuốc điều trị, sức khỏe của tôi đã chuyển biến tích cực, không còn đau tức ngực, có thể làm việc bình thường. Tôi rất vui mừng vì được khám-chữa bệnh ngay tại tuyến tỉnh, không phải đi xa tốn kém kinh phí”.
Ngoài ông Bình, từ năm 2016 đến nay đã có 11 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn và 3 bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tạm thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo bác sĩ Trần Kế Toán, vì tỉnh chưa trang bị được máy chụp mạch nên một số kỹ thuật chuyên sâu về can thiệp tim mạch như: chụp, đặt stent động mạch vành, mạch não, mạch chi... chưa được chuyển giao trong khi Đề án Bệnh viện vệ tinh sẽ hết hạn vào cuối năm 2020. “Mong muốn của Bệnh viện là sớm được trang bị máy chụp mạch, đồng thời xin gia hạn đề án đến năm 2022 để tiếp tục được hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Tim Hà Nội. Có như vậy, bệnh nhân tim mạch trên địa bàn tỉnh mới có thêm cơ hội tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu trong khám, điều trị bệnh”-bác sĩ Toán đề xuất.
NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm