Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Hướng đến vụ mùa hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để sản xuất vụ mùa đạt kết quả cao, các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như: hướng dẫn nông dân xuống giống tập trung, chuyển đổi cây trồng, đưa một số giống mới vào sản xuất...

Theo kế hoạch vụ mùa 2018, toàn tỉnh sẽ gieo trồng hơn 203.925 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước có 40.100 ha, lúa rẫy 9.100 ha, bắp 44.900 ha, đậu các loại 16.110 ha, đậu phụng 1.600 ha, mì 58.865 ha, khoai lang 1.850 ha, cà phê trồng mới 2.270 ha, mè 2.500 ha, rau các loại 15.570 ha, cây ăn quả 2.450 ha... Tính đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được hơn 42.564 ha cây trồng các loại (đạt 20,9% kế hoạch).

 

Người dân huyện Krông Pa làm đất sản xuất vụ mùa. Ảnh: internet
Người dân huyện Krông Pa làm đất sản xuất vụ mùa. Ảnh: internet

Để đảm bảo sản xuất vụ mùa hiệu quả, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, trong đó chú trọng các giải pháp chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của khí hậu. Cụ thể, đối với cây lúa, các địa phương phía Tây tỉnh xuống giống đại trà từ cuối tháng 5 và kết thúc trước ngày 20-6; vùng phía Đông và Đông Nam tỉnh xuống giống đại trà trong tháng 6. Những cây ngắn ngày như: bắp, lúa cạn, đậu đỗ, mè... bắt đầu xuống giống khi đất đủ độ ẩm.

Với cây mía, các địa phương khuyến cáo người dân giảm diện tích ngoài quy hoạch, diện tích có năng suất thấp (dưới 50 tấn/ha) và sử dụng 70% giống chín trung bình và muộn KK3, KK6, K88-65, K88-92 để giảm áp lực cho các nhà máy thời kỳ thu hoạch; đẩy mạnh sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, canh tác, thu hoạch... góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng khuyến cáo người dân sử dụng một số giống chủ lực như: giống lúa HT1, OM4900, ML48, OM6976, ĐV108, Hương Cốm, TH205, Khang Dân 18, Q5, LH12, RVT; giống bắp lai CP888, CP333, LVN10, Bioseed 9698; giống mì KM140, KM419, KM98-5 (hạn chế sử dụng giống KM94 bị nhiễm bệnh chổi rồng); giống cà phê TRS1, TR4, TR9; giống điều PN1, MH4/5, ĐDH110, ĐDH113...

Cụ thể hóa định hướng sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đã triển khai lịch gieo trồng, chủng loại giống chủ lực phù hợp cho từng vùng. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, cho biết: “Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện đã xuống giống được gần 50% diện tích vụ mùa. Để sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả cả về diện tích, năng suất, sản lượng... chúng tôi đã khuyến cáo người dân gieo sạ tập trung theo lịch tưới tiêu cụ thể của Ban Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi huyện và Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah. Các địa phương tích cực hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, không gieo trồng ở những vùng không chủ động được nước tưới và tranh thủ độ ẩm để gieo trồng những cây ngắn ngày...”.

Bên cạnh việc đưa các giống mới có chất lượng vào gieo trồng, các địa phương cũng đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho hay: “Đến nay, người dân trong huyện đã xuống giống được hơn 40% diện tích, chủ yếu là cây bắp, đậu, rau các loại và cây mì. Còn đối với cây lúa nước, dự kiến đến cuối tháng 6, người dân mới xuống giống vì phụ thuộc vào lịch xả nước của công trình thủy lợi Ayun Hạ và cần phơi ải đất sau thu hoạch. Vụ mùa 2018, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cánh đồng lúa lớn một giống gắn với quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” và 3 đồng nhất (đồng giống, đồng thời điểm xuống giống, đồng quy trình canh tác)”.

Tương tự, tại huyện Ia Grai, ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Thời gian qua, lượng mưa trên địa bàn huyện tương đối đồng đều và đất đã đủ ẩm cho việc xuống giống một số cây trồng ngắn ngày. Với cây công nghiệp dài ngày, chúng tôi tập trung vào tái canh đối với cây cà phê và cây điều để nâng cao năng suất; đồng thời triển khai cánh đồng lớn trên cây cà phê tại xã Ia Hrung”.

Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT): “Để sản xuất vụ mùa 2018 đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương khẩn trương cụ thể hóa định hướng của Sở và rà soát diện tích từng loại cây trồng cho từng xã. Đẩy mạnh phát triển các hình thức sản xuất nông sản hàng hóa theo nhóm, tổ sản xuất và xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi, thâm canh đồng bộ và gắn kết với doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững. Rà soát nguồn lực cung ứng hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng cho người dân sản xuất...”.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm