(GLO)- Tối 20-11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức khai mạc các hoạt động kỷ niệm 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (25/11/2005-25/11/2020).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự buổi lễ. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Dự buổi lễ có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Nam-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam); đại diện lãnh đạo ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch một số tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cùng đông đảo nghệ nhân, người dân TP. Pleiku.
Các nghệ nhân đại diện cho 2 dân tộc Jrai, Bahnar trình diễn cồng chiêng tại buổi lễ. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Sau 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO vinh danh, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của di sản văn hóa cồng chiêng; tuyên truyền, vận động các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Kỷ niệm 15 năm đón nhận danh hiệu này, tỉnh Gia Lai tổ chức chuỗi hoạt chào mừng nhằm tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng như: triển lãm ảnh nghệ thuật “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; tổ chức chương trình kích cầu du lịch tỉnh Gia Lai, giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, con người, các giá trị ẩm thực đến hơn 100 doanh nghiệp lữ hành trong nước và hàng ngàn lượt người dân, du khách.
Khen thưởng các nghệ nhân có đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Tại lễ khai mạc, 100 nghệ nhân đại diện cho 2 dân tộc bản địa là Jrai và Bahnar đã trình diễn một số bài chiêng truyền thống, tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng như: mừng lúa mới, rước nước về làng… Dịp này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khen thưởng 8 nghệ nhân chỉnh chiêng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng.
Chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San giúp người xem hiểu hơn về các giá trị của di sản văn hóa trên vùng đất Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Góp phần tôn vinh các giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng sau 15 được UNESCO vinh danh, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã mang đến buổi lễ chương trình nghệ thuật mang đậm hơi thở âm nhạc dân gian dân tộc với các tiết mục: độc tấu đàn t’rưng, “Rơ Ngót” (đơn ca nam), “Kuk kông bôrotok premai” (tốp ca nữ), “Đăm Thơi”(tốp ca nam), Tiếng đàn buôn em (múa); Rừng hát (hát múa).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên khẳng định Gia Lai đã có nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng sau 15 năm được UNESCO vinh danh. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên khẳng định: “Trong 15 năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chúng ta đã tiến những bước vững chắc trên con đường bảo tồn và phát huy các giá trị hiện hữu của không gian văn hóa cồng chiêng. Trên địa bàn Gia Lai, rất dễ nhận ra các lễ hội truyền thống có từ ngàn đời tiếp tục được duy trì, các nghi lễ liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây nông nghiệp tiếp tục được thể hiện. Dù diễn ra dưới hình thức nào và ở đâu, dù là lễ nghi của gia đình hay cả cộng đồng rộng lớn, thì tiếng chiêng da diết, trầm hùng vẫn không thể thiếu. Có thể nghe trong tiếng chiêng hơi thở của thời gian, nhịp đi của lớp lớp người đã sống, chiến đấu và bảo vệ mảnh đất thân yêu này. Cồng chiêng đã trở thành máu thịt đời người, là một phần không thể tách rời những giá trị căn cốt của nền văn hóa Gia Lai, Tây Nguyên đặc sắc. Nhân kỷ niệm 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tôn vinh là di sản thế giới, tôi kêu gọi các cấp, các ngành trên cơ sở chức năng, nhiêm vụ được giao, hãy đồng lòng chung sức dành sự quan tâm nhiều hơn nữa cho cồng chiêng, cho chủ nhân của giá trị văn hóa độc đáo này”.
HOÀNG NGỌC