Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong ngày 27 và 28-10, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân cũng như các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngay sau khi bão tan, các ngành và chính quyền địa phương đã tập trung tối đa phương tiện, nhân lực, vật lực để giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Lực lượng dân quân xã Kông Htok (huyện Chư Sê) giúp dân dựng lại diện tích mì bị ngã đổ do bão số 9 gây ra. Ảnh: Đức Thụy
Lực lượng dân quân xã Kông Htok (huyện Chư Sê) giúp dân dựng lại diện tích mì bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: Đức Thụy
Do ảnh hưởng của bão số 9, toàn tỉnh có 477 căn nhà của người dân bị sập, tốc mái. Trong đó, 13 nhà dân ở huyện Kbang, Kông Chro, Mang Yang và TP. Pleiku bị sập hoàn toàn; 3 căn nhà ở huyện Đak Pơ, Chư Prông bị sập một phần; 461 căn nhà ở huyện Kbang, Kông Chro, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Phú Thiện, Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đak Pơ, Chư Păh, Krông Pa, thị xã An Khê và TP. Pleiku bị tốc mái. Ngoài ra, 2 nhà ở giáo viên tại huyện Kông Chro, 2 trường mẫu giáo, 2 điểm trường, 1 nhà để xe trường học tại huyện Chư Sê, 1 điểm trường tại huyện Kbang, 3 trường học ở thị xã An Khê bị tốc mái; 2 trường học tại thị xã An Khê bị sập tường rào; 3 nhà rông tại huyện Kông Chro bị tốc mái.
Mưa bão cũng làm ngã đổ 731,7 ha lúa ở huyện Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Chư Sê, Chư Păh, Chư Pưh, Krông Pa; 21,2 ha rau các loại; 440 ha mía ở huyện Kbang, Đak Pơ; 71,9 ha mì ở huyện Mang Yang, Chư Pưh, Kbang; 52 ha bắp ở huyện Đak Pơ, Kbang; 33 ha cây ăn quả; 200 trụ hồ tiêu tại huyện Đak Đoa...
Nông dân xã An Thành (huyện Đak Pơ) dựng lại diện tích ớt bị ngã đổ do mưa bão. Ảnh: Lê Nam
Nông dân xã An Thành (huyện Đak Pơ) dựng lại diện tích ớt bị ngã đổ do mưa bão. Ảnh: Lê Nam

Giúp dân ổn định chỗ ở

Kbang là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 9. Trong đó, riêng xã Tơ Tung có 185 ngôi nhà bị tốc mái, 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Nam cho biết: “Sau khi bão tan, xã đã huy động gần 70 dân quân và đoàn viên, thanh niên xuống các thôn, làng giúp người dân dọn dẹp, lợp lại nhà để ổn định chỗ ở”. 
Gia đình bà Hứa Thị Thời (làng Cao Sơn, xã Tơ Tung) không những bị tốc mái nhà mà còn có hơn 7 sào lúa và 3 ha mía bị đổ rạp. Bà Thời xót xa nói: “Gió to làm bay một phần mái nhà ở và tốc mái hoàn toàn nhà máy xay gạo của gia đình. Mưa to cũng đã làm ướt hết lúa trong nhà và máy móc gây thiệt hại khá lớn. Sáng 29-10, lực lượng dân quân, Công an xã đã xuống giúp gia đình lợp lại mái nhà. Tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ phần nào thiệt hại để gia đình vượt qua khó khăn”.
Lực lượng Công an, đoàn viên, thanh niên huyện Kbang giúp người dân làng Cao Phương (xã Tơ Tung) lợp lại mái nhà sau bão. Ảnh: Ngọc Minh
Lực lượng Công an, đoàn viên, thanh niên huyện Kbang giúp người dân xã Tơ Tung lợp lại mái nhà sau bão. Ảnh: Ngọc Minh

Tương tự, công tác khắc phục hậu quả sau bão cũng được chính quyền, ngành chức năng huyện Kông Chro khẩn trương triển khai thực hiện. Ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Chư Krêy-cho biết: “Bão số 9 đã làm 13 nhà dân bị tốc mái và 3 nhà rông làng Châu, Veh và Sơ Rơ bị tốc mái một phần; đồng thời, nhiều diện tích mía, mì, bắp của người dân bị ngã đổ. Ngay sau khi bão tan, UBND xã đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân, Công an và cán bộ xã xuống các thôn, làng để giúp người dân ổn định chỗ ở tạm thời. Đồng thời, xã đã xuất kinh phí mua 2 tạ gạo, 20 thùng mì tôm và một số nhu yếu phẩm hỗ trợ những hộ dân bị tốc mái nhà”.

Thầy-cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Hbông, huyện Chư Sê) dọn cây gãy đổ do bão số 9 gây ra. Ảnh: Đ.T
Thầy-cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Hbông, huyện Chư Sê) dọn cây gãy đổ để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Đức Thụy

Tại các huyện: Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa và TP. Pleiku, công tác khắc phục hậu quả bão số 9 cũng đang được khẩn trương thực hiện. Ông Nguyễn Đình Đạt-Bí thư Đảng ủy xã Hbông (huyện Chư Sê) cho biết: Ngay sau khi bão tan, các lực lượng dân quân, Công an xã, đoàn thể đã xuống các thôn, làng giúp người dân lợp lại mái nhà, dọn dẹp nhà cửa để đảm bảo ổn định sinh hoạt. Sáng 29-10, xã đã cử lực lượng vận động những hộ dân có diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ phải nhanh chóng gặt sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Sáng 29-10, căn nhà tốc mái hoàn toàn của gia đình bà Hnung (hộ cận nghèo ở làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) được lực lượng dân quân, Công an xã và người dân trong làng giúp lợp lại mái tôn. Ông Trần Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ-cho hay: Từ ngày 28 đến nay, xã huy động các lực lượng phản ứng nhanh túc trực 24/24 giờ để giúp người dân khắc phục hậu quả. Trong đó, ưu tiên sửa chữa những nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Trong 2 ngày qua, xã đã hỗ trợ kịp thời 22 cây xà gồ và 42 tấm tôn cho người dân lợp lại mái nhà. 
Đoàn xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) hỗ trợ Trạm Y tế xã dọn dẹp cây xanh bị ngã đổ do mưa bão. Ảnh: Vũ Chi
Đoàn xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) dọn dẹp cây xanh bị ngã đổ do mưa bão tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Vũ Chi

Ngay khi bão tan, lực lượng xung kích của xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) cũng đã có mặt hỗ trợ 4 hộ dân có nhà bị tốc mái khắc phục hậu quả. Riêng Trường Mẫu giáo Vàng Anh bị tốc mái, lực lượng dân quân cùng đoàn viên, thanh niên xã đã hỗ trợ giáo viên lợp lại mái ngay chiều 28-10 để ổn định cơ sở vật chất đảm bảo đón học sinh trở lại trường. 

Huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả 
Theo ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang, ngay chiều 28-10, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng cùng 14 xã, thị trấn rà soát thiệt hại, giúp đỡ các hộ dân có nhà bị tốc mái hoặc bị sập hoàn toàn ổn định chỗ ở tạm thời. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử 50 cán bộ, chiến sĩ cùng với các lực lượng của địa phương tập trung sửa chữa, lợp lại mái nhà cho các hộ bị thiệt hại. Đồng thời, huyện xuất kinh phí khoảng 100 triệu đồng từ nguồn đóng góp của Hội Chữ thập đỏ và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện để mua tôn, ngói lợp lại nhà cho người dân. 
Giúp dân lợp lại nhà tốc mái do ảnh hưởng bão số 9. Ảnh: Lê Nam
Giúp dân lợp lại nhà tốc mái do ảnh hưởng bão số 9. Ảnh: Lê Nam
Do ảnh hưởng bão số 9, trong ngày 28-10, toàn tỉnh có 80 xã, phường, thị trấn bị mất điện. Trong đó, 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh bị mất điện hoàn toàn. Ông Lê Quang Trường-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết: Ngay sau khi bão tan, Công ty đã huy động nhân lực tại các đơn vị trực thuộc cùng nhiều phương tiện, vật tư khắc phục sự cố lưới điện. Đến chiều 29-10 đã khắc phục xong và đảm bảo cung cấp cho khách hàng sử dụng.

Tại Chư Sê, ông Dương Mạnh Mẫn-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện-cho biết: Trước mắt, đối với các loại cây trồng bị thiệt hại, huyện sẽ thống kê để đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ. Đồng thời, UBND huyện đang chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thống kê số hộ nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hại do bão để hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại nhà cửa; dự kiến kinh phí hỗ trợ từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng/hộ tùy theo mức độ thiệt hại. 

Ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh-chỉ đạo: Các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương liên quan cần nhanh chóng triển khai khắc phục hậu quả, trong đó tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa bão và những gia đình có người không may bị thương, thiệt mạng. Hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân; nhất là những hộ dân bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống và chỗ ở. Tiếp tục kiểm tra các vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở để có giải pháp di dời người dân đến nơi an toàn. 
Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp vận hành an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện. Hướng dẫn người dân thu hoạch cây trồng khi đã đủ độ chín để tránh thiệt hại do mưa lũ; những diện tích ngã đổ cần huy động lực lượng dân quân, quân đội, đoàn viên, thanh niên giúp dân thu hoạch. Lực lượng vũ trang ra quân hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do mưa bão. Tập trung sửa chữa trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan; hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho người dân để ổn định cuộc sống. Công ty Điện lực Gia Lai tập trung khắc phục các sự cố về lưới điện.
Lực lượng dân quân tự vệ xã Kông Htok (huyện Chư Sê) giúp người dân lợp lại mái nhà. Ảnh: Đức Thụy
Lực lượng dân quân tự vệ xã Kông Htok (huyện Chư Sê) giúp người dân lợp lại mái nhà. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý: Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả theo thẩm quyền; tổng hợp thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đề xuất Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xem xét hỗ trợ trước ngày 3-11.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm