Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Khẩn trương ứng phó với mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mưa kéo dài suốt thời gian qua đã làm hàng trăm héc ta lúa tại các huyện Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Mang Yang (Gia Lai)… bị ngập úng và có nguy cơ mất trắng. Các địa phương đang triển khai thực hiện Công điện số 09/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc khẩn trương ứng phó ảnh hưởng của cơn bão số 4.
Hàng trăm héc ta lúa bị ngập úng
Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn huyện Chư Sê, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã làm hơn 41 ha lúa nước của người dân tại các xã: Dun, Ayun, Bar Măih, Ia Pal, Chư Pơng, Ia Hlốp bị ngập úng, nâng tổng diện tích lúa bị ngập úng của huyện từ đầu vụ mùa đến nay lên hơn 150 ha. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Hơn 150 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại từ 50% đến 70%, coi như là mất trắng. Phòng đang tích cực thống kê hiệt hại của người dân và đề xuất UBND huyện hỗ trợ phân bón, giống cho các hộ nghèo để khi nước rút tiến hành gieo sạ lại. Tuy nhiên, thời điểm này mà gieo sạ lại thì chậm so với lịch thời vụ và sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch vụ Đông Xuân 2018-2019”.
 Ông Rơ Châm Lor (làng Nang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) khơi thông dòng chảy để cây trồng tránh bị ngập úng. Ảnh: L.N
Ông Rơ Châm Lor (làng Nang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) khơi thông dòng chảy để cây trồng tránh bị ngập úng. Ảnh: L.N
Còn theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, mưa lớn cũng đã làm 18 ha lúa nước của người dân tại các xã Ia Sao, Ia Bă và Ia Pếch bị ngập úng. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Phòng đã tham mưu UBND huyện ra công văn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phân công lịch trực 24/24 giờ; cập nhật liên tục thiệt hại của người dân và báo cáo kịp thời về Phòng Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; vận động nhân dân tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để tiêu úng, tránh ảnh hưởng đến cây trồng...
Tại huyện Đak Đoa, ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Trước cơn bão số 4, mưa kéo dài đã làm cho hơn 286 ha cây trồng của 1.186 hộ dân trên địa bàn bị thiệt hại, trong đó có hơn 283 ha lúa nước đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Những ngày qua, trên địa bàn huyện cũng có mưa liên tục nhưng chưa gây ngập úng. “Để chủ động ứng phó với mưa bão, chúng tôi đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, phân công trực và thống kê cụ thể thiệt hại báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện nhằm xử lý kịp thời”-ông Hùng cho biết.
Chủ động ứng phó với mưa bão
Chủ động ứng phó với mưa bão (ảnh nguồn internet)
Chủ động ứng phó với mưa bão (ảnh nguồn internet)
Ngày 13-8, UBND tỉnh đã có Công điện số 09/CĐ-UBND về việc khẩn trương ứng phó ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 4 và chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với ảnh hưởng của bão, nhất là chủ động đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tài sản của nhà nước và nhân dân. Tập trung triển khai công tác ứng phó với mưa lớn gây sạt lở đất đá ở các khu vực ven sườn đồi, đường giao thông và lũ, lũ quét, lũ cô lập, sạt lở ở các khu vực ven sông, suối, vùng trũng thấp và chủ động tổ chức di dời dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Triển khai các phương án phòng-chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn các khu vực có nguy cơ ngập sâu nước chảy xiết. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mọi tình huống, sự cố bất thường do ảnh hưởng của cơn bão số 4 gây ra…
Ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thực hiện Công điện số 09/CĐ-UBND của UBND tỉnh, Sở đã có công văn gửi các địa phương để chủ động ứng phó với cơn bão số 4. Sở tổ chức trực ban 24/24 giờ từ ngày 10-8; liên tục nắm tình hình diễn biến thời tiết để thông báo, cảnh báo đến Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương nhằm chủ động tổ chức các biện pháp ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Đối với các diện tích cây trồng bị thiệt hại, các địa phương chủ động xuất ngân sách hỗ trợ người dân khắc phục; đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.  
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm