Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai khôi phục mạng lưới giao thông sau mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bão số 9 và đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua đã làm hư hại nhiều tuyến đường tại các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai. Việc khắc phục sự cố giao thông đang gặp nhiều khó khăn do liên tục có mưa.
Sạt lở nhiều tuyến đường
Huyện Kbang có 23 ngầm tràn giao thông thuộc 8 xã bị ngập khiến giao thông bị chia cắt tạm thời như: tại làng Tơ Leng và Tung-Gút (xã Krong), làng Kon Kring (xã Kon Pne)… Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xảy ra 36 điểm sạt lở đất tại các xã: Kon Pne (31 điểm), Lơ Ku (3 điểm) và Đak Smar (2 điểm). Mưa lũ còn cuốn trôi cầu dây dân sinh dẫn đến khu sản xuất Đak Treh (xã Kon Pne).
Ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-thông tin: 31 vụ sạt lở đất đều xảy ra dọc đèo Kon Pne. Do địa hình đèo dốc quanh co, các đoạn sạt lở phần lớn nằm ở lưng chừng núi, một bên là núi cao, một bên là vực sâu và trời vẫn tiếp tục mưa nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
“Ngay sau khi có thông tin về sạt lở, xã đã huy động khoảng 60 người tiếp cận và xử lý, đảm bảo thông tuyến tại các điểm sạt lở nhỏ. Tuy nhiên, có 2 điểm sạt lở ta luy âm, không thể xử lý triệt để mà chỉ có thể dọn dẹp tạm thời một lối đi nhỏ. Trước mắt, xã đặt biển cảnh báo và bố trí người chốt chặn thông báo người dân hạn chế đi lại qua khu vực đèo”-ông Điệp nói.
Lực lượng ứng trực phòng-chống thiên tai huyện Phú Thiện cắt dọn cây xanh ngã đổ trên đường giao thông. Ảnh: Lê Hòa
Lực lượng ứng trực phòng-chống thiên tai huyện Phú Thiện cắt dọn cây xanh ngã đổ trên đường giao thông. Ảnh: Lê Hòa
Xã Kon Pne cách trung tâm huyện khoảng 85 km và biệt lập với các địa phương khác. Đèo Kon Pne nằm trên con đường độc đạo nối từ đường Trường Sơn Đông dẫn vào xã. Theo ông Điệp, tính đến nay đã khoảng 3 tháng tại Kon Pne diễn ra mưa liên tục.
“Chúng tôi rất lo ngại trước nguy cơ sạt lở. Lương thực tại chỗ có thể đảm bảo được 2 tháng. Tuy nhiên, phần lớn nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày phải đưa từ nơi khác về. Việc đi lại hạn chế kéo dài trong nhiều ngày sẽ gây rất nhiều khó khăn cho bà con”-ông Điệp bày tỏ.
Chưa thể khắc phục dứt điểm
Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: Đến nay, các vị trí cây ngã đổ che chắn lối đi và các điểm sạt lở nhỏ gây cản trở giao thông cơ bản đã được xử lý. “Chỉ còn 2 điểm sạt lở nghiêm trọng tại đèo Kon Pne chưa xử lý được do trời tiếp tục mưa. Ngoài ra, địa phương đang huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà ở và tập trung cứu lúa, mía, bắp…”-ông Mã Văn Tình nói.
Tương tự, tại huyện Kông Chro, áp thấp nhiệt đới hôm 6-11 đã gây sạt lở trên tuyến đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang. Đến hết ngày 7-11, tại Kông Chro vẫn tiếp tục có mưa lớn.
Ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: “Vị trí sạt lở là nơi có mạch nước chảy từ trong hẻm núi ra. Do đó, trong điều kiện thời tiết liên tục có mưa, chưa thể khắc phục sự cố này. Trước mắt, chúng tôi đã chốt chặn và thông báo để mọi người chọn hướng di chuyển khác. Khi thời tiết nắng ráo sẽ tập trung lực lượng, phương tiện để khắc phục”.
.
Tại huyện Phú Thiện, mưa lũ làm sụt lún, sạt lở khoảng 1.230 m2 đường giao thông nội đồng. Tại huyện Krông Pa, hệ thống giao thông trên địa bàn cũng có nhiều đoạn bị ngập, hư hỏng cục bộ. Trong đó, chân cầu Lệ Bắc về phía bờ Bắc tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa bền vững công trình. Ngoài ra, một số ngầm tràn trên các tuyến đường liên thôn: từ UBND xã Ia Rsai đi buôn Chư Tê, từ buôn Chư Jú đi buôn Sai và buôn Ơi Kia đều bị ngập, gây chia cắt cục bộ giữa các thôn, buôn. Mưa bão làm sạt trôi tràn số 3 của hệ thống đường quản lý kênh N11 (xã Phú Cần), sạt trôi đường liên xã Phú Cần-Ia Rmok và 12.600 m3 đường vận hành hồ chứa nước Ia Hdreh. Ước tính thiệt hại về công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện lên hàng tỷ đồng.
“Địa phương đã huy động lực lượng, trang-thiết bị giải phóng nhanh các điểm bồi lấp. Còn các vị trí hư hỏng nghiêm trọng phải chờ thời tiết nắng ráo mới có thể triển khai khắc phục. Huyện cũng đã có đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình bị hư hỏng nghiêm trọng để đảm bảo nhân dân lưu thông thuận lợi, an toàn”-ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho hay. 
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm