Gia Lai: Kích cầu du lịch thông qua lễ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ nay đến cuối năm, nhiều sự kiện văn hóa, du lịch quy mô cấp huyện ở Gia Lai hứa hẹn mang đến một năm du lịch khởi sắc và hấp dẫn du khách đến với vùng đất cao nguyên đại ngàn.
Đa dạng chuỗi sự kiện
Theo đó, dự kiến vào dịp lễ 30-4 và 1-5, huyện Phú Thiện sẽ tổ chức Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui. Cùng thời gian này, huyện Ia Grai tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng diễn ra tại làng Dăng (xã Ia O). Cũng trong tháng 4, huyện Đak Đoa phục dựng Lễ cúng giọt nước tại xã Hà Bầu và tổ chức Hội thi văn hóa cồng chiêng.
Trong tháng 5, thị xã Ayun Pa tổ chức Hội chợ nông sản sạch kết hợp văn hóa ẩm thực. Hội thảo khoa học và lễ kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Đak Pơ sẽ diễn ra vào tháng 6. Ngày hội Du lịch huyện Kbang sẽ diễn ra vào tháng 7. Vào tháng 8, TP. Pleiku tổ chức Liên hoan cồng chiêng thanh-thiếu niên.
Sự kiện Tuần lễ Hoa muồng vàng sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 18-10 tại thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Vào tháng 11, tại TP. Pleiku sẽ diễn ra Tuần lễ Văn hóa-Du lịch và chuỗi sự kiện Festival Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai lần thứ III.
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đak Đoa năm 2020. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đak Đoa năm 2020. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Đây là những sự kiện thường niên được tổ chức trong các năm qua và để lại dấu ấn trong lòng du khách. Chị Hoàng Anh-Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái-thông tin: “Những năm qua, một số lễ hội của tỉnh đã mang hình ảnh Gia Lai đến gần hơn với du khách. Bên cạnh những lợi thế thì khâu tổ chức các lễ hội cần được làm mới, chỉn chu và chuyên nghiệp hơn”.

Cũng trong năm 2021, Gia Lai sẽ tham gia các sự kiện du lịch lớn như: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2021 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 8-5; Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 17 diễn ra từ ngày 13 đến 15-5… Đây là cơ hội để Gia Lai quảng bá điểm đến, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng đến các doanh nghiệp và khách du lịch thông qua gian hàng, chuỗi các hoạt động hội thảo.
Anh Lê Chí Nguyện-Giám đốc Công ty Du lịch Tây Nguyên Xanh-chia sẻ: “Doanh nghiệp sẽ tham gia các sự kiện du lịch, đặc biệt là sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực. Nếu các doanh nghiệp không thể cùng tham gia vào một thời điểm thì có thể chia nhỏ hoặc cùng nhau xây dựng chương trình chung mang đặc trưng tỉnh nhà. Khi đó sẽ kết nối cùng các đơn vị dịch vụ từ nhà xe, khách sạn đến nhà hàng, quán ăn liên kết đưa hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp mình vào chương trình tour cụ thể quảng bá đến du khách”.
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (xã Ia O, huyện Ia Grai) năm 2020. Ảnh: Phương Linh
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (xã Ia O, huyện Ia Grai) năm 2020. Ảnh: Phương Linh

Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang phát triển du lịch nội địa, đây là đòn bẩy để phục hồi ngành du lịch trong tình hình hiện nay.
Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-nhận định: “Để Du lịch Gia Lai ngày càng lớn mạnh cần có sự chung tay phối hợp giữa Nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Khi đã có chủ trương, các đơn vị cần tham gia nhiệt tình, liên kết để cùng nhau phát triển. Doanh nghiệp nên dựa vào các sự kiện thường niên đã được xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó đi sâu vào xây dựng các chương trình riêng của đơn vị, tạo sự mới lạ, hấp dẫn chào bán sản phẩm du lịch cho du khách đến với Gia Lai”.
Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty Du lịch Cao Nguyên Việt-cho hay: “Trên cơ sở những sự kiện văn hóa, du lịch sẽ được tổ chức trong năm, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ chi tiết hóa các sự kiện bằng những chương trình tour cụ thể quảng bá đến du khách. Mỗi doanh nghiệp đều có hướng đi riêng, nhưng đều có mục đích chung là xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ hấp dẫn du khách. Chính vì vậy, khi nắm bắt được thời gian diễn ra các hoạt động sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng chương trình và sớm có kế hoạch quảng bá kịp thời, hiệu quả, tạo hiệu ứng cao cho du khách lựa chọn”.
Hoa muồng vàng ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên
Hoa muồng vàng ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên

Trong khi đó, anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Du lịch Le Pleiku-đề xuất: “Thời gian qua, đối tượng khách lẻ đến nhóm nhỏ có nhu cầu đến tham quan Gia Lai khá nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành cần khai thác thị trường này. Khách sẽ được ghép chung và mỗi đơn vị thay nhau đứng ra tổ chức cũng như quảng bá thương hiệu của mình. Đây là thị trường và hướng đi khá tiềm năng bởi khi được trải nghiệm về một vùng đất và dịch vụ tốt họ sẽ chia sẻ đến bạn bè, người thân cùng quay lại lần nữa với số lượng khách đông hơn. Theo đó, nhiệm vụ của chúng ta là cùng nhau liên kết để phát triển”.

VÕ THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm