Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu giữ vững tỷ số cân bằng giới tính khi sinh, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Đề án sát với tình hình thực tế.

Mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tỉnh Gia Lai kiểm soát hiệu quả tốc độ gia tăng và duy trì vững chắc tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên 106,2 bé trai/100 bé gái. Để đạt mục tiêu và giữ được sự ổn định, bền vững, theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở trực tiếp tuyên truyền, vận động hội viên cần xác định được đối tượng cụ thể, tâm lý xã hội và đặc trưng văn hóa. Bà Nay Danh Nam-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đak Đoa kể: “Ở địa phương chúng tôi có trường hợp cô giáo sinh 4 con gái nhưng vẫn phải sinh đứa thứ 5 để có bằng được con trai. Khi Hội Phụ nữ tới tuyên truyền mới biết bản thân cô giáo này không muốn sinh nhiều như vậy, nhưng chịu áp lực của gia đình nhà chồng có con trai để nối dõi tông đường. Tâm lý này đã ăn sâu vào đời sống của không ít gia đình nên tuyên truyền, vận động là vấn đề không dễ”.

 Truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số về các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ảnh: M.C
Truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số về các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Minh Châu


Ngược lại với câu chuyện trên, ông Kpă Pual (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, chữ viết Jrai cho biết: “Người Jrai theo chế độ mẫu hệ, con gái có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ chứ không phải con trai. Họ không có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Do vậy, họ sinh con tự nhiên, không có sự tác động, can thiệp để sinh con trai hay con gái. Những điểm khác biệt này về đặc trưng văn hóa giúp chúng ta lựa chọn cách thức phù hợp để triển khai Đề án đạt hiệu quả”.  

Còn theo bác sĩ Măng Đung-Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai: Nhóm đối tượng thông thái lại thường có xu hướng can thiệp giới tính thai nhi nhiều nhất. “Đây là nhóm đối tượng có kiến thức, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuyện sinh đẻ, canh ngày rụng trứng, thụ tinh nhân tạo, chọn ngày sinh, giờ sinh… Vì vậy, để đạt được mục tiêu của Đề án, cần điều tra xã hội học, xác định nhóm đối tượng nào cần điều chỉnh nhiều nhất, điều chỉnh bởi cái gì để có sự can thiệp cụ thể’-ông nói.

Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025” đưa ra nhiều nhóm giải pháp, hình thức thực hiện. Theo ông Kpă Pual: “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn giữ được mức cân bằng giới tính khi sinh. Do đó, công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh cho họ hiểu về hệ lụy, hậu quả của vấn đề này để phòng ngừa, không nên áp dụng cách tuyên truyền dành cho đa số”.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa-cho rằng: Nhiệm vụ của tổ chức Hội Phụ nữ rất quan trọng, góp phần vào sự thành công của Đề án. Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội, đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. “Truyền thông, giáo dục theo tôi là quan trọng nhưng chỉ mang tính chất phổ quát, còn với từng trường hợp cụ thể lại phải có giải pháp, cách thức phù hợp mới làm chuyển đổi nhận thức và hành vi. Không chỉ đối tượng phụ nữ mà đàn ông cũng phải có giải pháp để tạo sự chuyển biến”-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa nêu quan điểm.

Ngoài công tác chỉ đạo, triển khai của ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trong chỉ đạo, nghiêm cấm các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, thì cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng thuận toàn xã hội. Bà Nay Danh Nam cho rằng: Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa đánh giá đầy đủ nên chưa đưa ra giải pháp phù hợp. Vì vậy, để Đề án đạt được kết quả, mục tiêu đề ra, hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được duy trì thường xuyên, liên tục, kịp thời sơ kết, tổng kết, báo cáo đánh giá hàng năm để rút kinh nghiệm là rất cần thiết.

 

 MINH CHÂU

 

Có thể bạn quan tâm