(GLO)- Thời gian qua, công tác thanh tra hành chính trên địa bàn tỉnh Gia Lai được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Qua thanh tra, nhiều vụ việc sai phạm đã được kịp thời phát hiện, góp phần tăng cường pháp chế và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Phát hiện nhiều sai phạm
Từ đầu năm 2017 đến tháng 6-2018, qua thanh tra, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; hạch toán chênh lệch thu, chi để làm căn cứ tính thu nhập tăng thêm; chứng từ thu, chi; việc theo dõi tài sản cố định, công cụ, dụng cụ… Cụ thể, Thanh tra tỉnh phát hiện sai phạm tại nhiều đơn vị với tổng số tiền hơn 43,3 tỷ đồng; Thanh tra các huyện, thị xã phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền lần lượt là: Đak Pơ hơn 86 triệu đồng, Ia Pa gần 263,2 triệu đồng, Đức Cơ hơn 255,4 triệu đồng, Chư Sê gần 3,4 tỷ đồng, Ayun Pa hơn 82,7 triệu đồng, Chư Pah hơn 118,6 triệu đồng, Chư Prông gần 113 triệu đồng… Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh và các huyện đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị sai phạm chấn chỉnh, khắc phục và thu hồi số tiền sai phạm nộp vào ngân sách nhà nước; đồng thời đã xem xét xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân sai phạm theo quy định.
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Thanh tra tỉnh về hoạt động thanh tra hành chính trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thi |
Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm (trong đó có cả tham nhũng) cũng đã được cơ quan Thanh tra phát hiện và chuyển Cơ quan Điều tra xem xét, xử lý. Đơn cử như vụ sai phạm tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai. Thanh tra tỉnh phát hiện đơn vị này không thực hiện đúng trách nhiệm của chủ rừng, để bị lấn chiếm, cháy mất 360,1 ha rừng trồng; thực hiện giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng trồng từ năm 2009 đến nay không đúng đối tượng; lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân địa phương để đưa họ ký chứng từ hoặc giả mạo chữ ký trên phiếu chi thanh toán chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước tương ứng với số tiền gần 12,5 tỷ đồng. Hay vụ việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh chi sai nguồn hơn 3 tỷ đồng (kinh phí hỗ trợ ăn cho trẻ em 3, 4, 5 tuổi; kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh; kinh phí chi trả tiền ăn cho học sinh bán trú và kinh phí chi trả học bổng, mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập cho học sinh khuyết tật); không nộp trả ngân sách nhà nước kinh phí hỗ trợ ăn trưa còn thừa hơn 27,7 triệu đồng; lập chứng từ khống chiếm đoạt gần 2,8 tỷ đồng.
Còn bất cập trong công tác thanh tra hành chính
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập. Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, ông Trần Hữu Đức-Chánh Thanh tra tỉnh-cho biết: Hiện nay, vẫn còn sự chồng chéo giữa việc xây dựng kế hoạch thanh tra của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra tỉnh. Theo quy định của Luật Thanh tra 2010, kế hoạch thanh tra của năm sau phải được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chậm nhất vào ngày 25-11 của năm trước. Kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh vì vậy phải xây dựng và trình UBND tỉnh đúng thời gian nêu trên. Tuy nhiên, kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước lại thường ban hành chậm hơn và khi xây dựng kế hoạch, Kiểm toán Nhà nước gần như không phối hợp, không nghiên cứu kế hoạch thanh tra của địa phương nên nhiều nội dung, đối tượng kiểm toán trùng lắp với kế hoạch thanh tra. Vì chủ trương là không thanh tra trùng lắp với kiểm toán nên Thanh tra tỉnh đã rất bị động trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm của mình.
Ngoài ra, từ thực tiễn giám sát hoạt động thanh tra hành chính trên địa bàn tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế khác. Chẳng hạn, việc xây dựng nội dung kế hoạch thanh tra của một số huyện chỉ tập trung ở lĩnh vực thu-chi tài chính, chưa tiến hành thanh tra ở các lĩnh vực xây dựng cơ bản, chế độ chính sách. Việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra chưa đúng quy định. Thời gian từ khi kết thúc thanh tra trực tiếp đến khi ban hành kết luận còn kéo dài nên cuộc thanh tra của năm trước buộc phải chuyển sang năm sau. Kết luận thanh tra đôi lúc chưa đánh giá chính xác tính chất hành vi vi phạm, nhất là hành vi liên quan đến tham nhũng. Việc thu hồi số tiền sai phạm sau thanh tra cũng như xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm chưa triệt để, còn chậm. Công tác phối hợp giữa cơ quan Thanh tra với các Cơ quan điều tra còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến kết quả, tiến độ thanh tra. Đối với các vụ việc chuyển Cơ quan Điều tra, hầu hết xem xét trong thời gian quá dài mới có kết luận khởi tố hoặc không khởi tố, dẫn đến khó kiến nghị việc xử lý kỷ luật vì hết thời hiệu đối với các vụ việc không khởi tố…
Hồng Thi