(GLO)- Với sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, năm 2018, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội. Đây là cơ sở, động lực để tỉnh hướng đến những mục tiêu cao hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Kinh tế khởi sắc
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8%. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 4.467 tỷ đồng, đạt cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, theo báo cáo của UBND tỉnh, các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đều tăng so với năm 2017. Tình hình kêu gọi đầu tư cũng có nhiều khởi sắc khi hàng loạt dự án lớn đang được triển khai và đề nghị được triển khai.
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên |
Nói về việc thu ngân sách đạt cao nhất từ trước tới nay, ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính-cho biết: Kết quả này có được là nhờ vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định của cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành qua việc triển khai các giải pháp thu ngân sách phù hợp với điều kiện thực tế đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng theo hướng thực chất, bền vững. Qua đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 ước thực hiện 4.467 tỷ đồng, bằng 112,15% dự toán Trung ương giao và bằng 106,36% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 5,23% so với năm 2017. Giám đốc Sở Tài chính khẳng định: “Đây là cơ sở, bước đệm cần thiết để tạo bứt phá cho năm 2019 với mục tiêu phấn đấu đạt từ 4.905 tỷ đồng trở lên”.
Xuất khẩu cũng là lĩnh vực có sự tăng tốc mạnh mẽ. Những tháng đầu năm, các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: cao su, cà phê, hồ tiêu, mì lát... liên tục rớt giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi vào những tháng cuối năm. Theo thông tin từ Sở Công thương, nhờ sự tăng lại về giá của các mặt hàng xuất khẩu mà kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã tăng 4,44% so với năm 2017, đạt 470 triệu USD, đạt kế hoạch đề ra.
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với Đại sứ Cộng hòa Séc bên lề Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Thụy |
Chưa bao giờ tỉnh ta lại đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ như năm 2018. Những nỗ lực của tỉnh trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh đã được đáp lại bằng những con số hết sức ấn tượng. “Năm 2018, toàn tỉnh có 58 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 6.018 tỷ đồng; có 32 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư ước đạt 4.617 tỷ đồng. Hiện nay, có khoảng 92 dự án đang triển khai đầu tư với số vốn 9.872 tỷ đồng và 66 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 32 dự án điện mặt trời, điện gió của 23 nhà đầu tư được tỉnh cho khảo sát với quy mô 3.951 MW, số vốn dự kiến trên 86.000 tỷ đồng”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-vui mừng cho biết.
Bên cạnh làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh, năm 2018, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đạt kết quả tích cực. Cụ thể, toàn tỉnh có thêm 772 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 4.450 tỷ đồng. Qua đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh lên gần 4.900 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 90.000 tỷ đồng.
Văn hóa-xã hội chuyển biến tích cực
Năm 2018 ghi nhận nhiều sự kiện lớn của ngành văn hóa tỉnh như: khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang); xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng, Gò Đá (thị xã An Khê), Khu lưu niệm Anh hùng Wừu (huyện Đak Đoa)... Bên cạnh đó là sự thành công vang dội của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 và lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya. Với nhiều hình thức quảng bá khác nhau, những cảnh đẹp của Gia Lai như núi lửa Chư Đăng Ya, vườn chè Bàu Cạn, Biển Hồ, thác Mơ... đã ghi được dấu ấn trong lòng du khách gần xa. “Nhắc tới Tây Nguyên, tôi vẫn luôn nghĩ tới Lâm Đồng với Đà Lạt mộng mơ hay Đak Lak với voi Buôn Đôn và những ly cà phê ngon. Tôi không ngờ Gia Lai cũng có quá nhiều cảnh đẹp, ẩm thực ngon và văn hóa đậm đà bản sắc như vậy. Khí hậu nơi đây lại mát mẻ tuyệt vời nữa. Tôi và gia đình sẽ còn quay lại nhiều lần”-chị Trần Mỹ Kim-du khách đến từ huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An-nói. Lời nhận xét này như một sự khẳng định về những thành quả trong công tác phát triển du lịch, một tiềm năng lớn nhưng lâu nay còn bỏ ngỏ của địa phương.
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Gia Lai đã thành công tốt đẹp. Ảnh: Đ.T |
Tại hội nghị trực tuyến triển khai các nghị quyết kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XI, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nhấn mạnh: “Năm 2019 là năm kế chót thực hiện kế hoạch 5 năm. Thời tiết vẫn diễn biến phức tạp cần dự lường những vấn đề như: hạn hán có thể gây ảnh hưởng tới mục tiêu trồng rừng; những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc... Do đó, các ngành, địa phương cần tập trung khắc phục những yếu kém của năm 2018, nhất là yếu kém trong điều hành, quản lý cán bộ, kiểm tra, giám sát. Năm 2019 được chọn là năm siết chặt kỷ cương hành chính, cho nên phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu...”. |
Trong năm 2018, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được tỉnh quan tâm đúng mức. Theo đó, mạng lưới và nguồn lực y tế không ngừng được củng cố và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 3.995 giường bệnh (tuyến tỉnh 1.670 giường, tuyến huyện 1.285 giường, tuyến xã 1.040 giường), đạt tỷ lệ 26 giường bệnh/1 vạn dân; có 4.475 cán bộ y tế (trong đó có 889 bác sĩ, 328 dược sĩ) và 2.082 nhân viên y tế thôn làng, đạt tỷ lệ 7,73 bác sĩ/1 vạn dân; 88% số xã đã có bác sĩ; 100% số xã có nữ hộ sinh. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 77,5%.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10,34% (35.704 hộ nghèo). Trong năm đã giải quyết việc làm cho 25.130 lao động, trong đó, xuất khẩu lao động 1.430 người; tuyển sinh đào tạo nghề các cấp cho 12.223 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 33%...
Có thể khẳng định, trong năm 2018, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Đây là tiền đề, bệ phóng để tỉnh ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt những mục tiêu cao hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Gia Khang