Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời tiết nắng nóng trên diện rộng đã ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi và dễ phát sinh dịch bệnh. Chính vì vậy, cơ quan chuyên môn đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc nhằm phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh.
Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, tại làng Đak Bơt (xã Đak Trôi, huyện Mang Yang) có 15 con bò bị chết đột ngột mà không có biểu hiện mắc bệnh. Nhận được tin báo, cơ quan chuyên môn của huyện Mang Yang cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra thực tế và tìm ra nguyên nhân bò chết do thiếu thức ăn, nước uống nên ăn túi ni lông gây tắc nghẽn dạ dày.
Bà Bùi Thanh Việt-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang-cho biết: Qua kiểm tra thực tế cho thấy, thể trạng bò gầy do khan hiếm thức ăn. Trước tình hình đó, Trung tâm hướng dẫn chính quyền địa phương khẩn trương tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền người dân chủ động nguồn thức ăn sẵn có để tăng sức đề kháng cho đàn bò.
Thời gian gần đây, bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên đàn bò đã xuất hiện tại các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ngãi. Tuy các loại bệnh này chưa xâm nhập vào địa bàn tỉnh, nhưng người chăn nuôi cần chủ động các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, nhất là trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa kiểm tra việc phòng bệnh cho đàn bò của gia đình ông Huơh (thị trấn Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa kiểm tra việc phòng bệnh cho đàn bò của gia đình ông Huơh (thị trấn Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Huơh (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) chia sẻ: “Mùa này thức ăn khan hiếm nhưng do tôi tích trữ được nguồn rơm nên đàn bò chưa bị đói. Bên cạnh việc vệ sinh chuồng trại, tôi cũng chú trọng tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho đàn bò. Nhờ đó, mấy năm nay, đàn bò của tôi không bị dịch bệnh”.
Tương tự, ông Sữ (cùng làng) cho hay: “Đàn bò 32 con là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Vì vậy, tôi tiêm phòng vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan thú y huyện để bảo vệ đàn bò. Bên cạnh đó, vào mùa gặt, tôi mua thêm rơm về dự trữ làm thức ăn cho bò”. 
Các hộ chăn nuôi heo cũng chú trọng phòng bệnh cho đàn gia súc trong điều kiện nắng nóng. Bà Cao Thị Trinh Nữ (thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cho biết: “Trang trại của tôi hiện có 500 con heo thịt. Thời gian này nắng nóng kéo dài, heo thường bị các bệnh tụ huyết trùng, viêm hô hấp… Vì vậy, tôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, mở máy làm mát tự động và tăng sức đề kháng cho đàn heo”.
chăn nuôi trang trại vừa đảm bảo dịch bệnh vừa bảo vệ mô trường
Chăn nuôi trang trại vừa đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Diệp
Để đảm bảo đàn gia súc phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có công văn đề nghị chính quyền các địa phương và bà con nông dân tăng cường chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa khô.
Theo ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh có hơn 14 ngàn con trâu, 421 ngàn con bò và 430 ngàn con heo. Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên dễ xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc do sức đề kháng giảm. Để bảo vệ đàn gia súc của tỉnh, Chi cục đã cấp 5.620 lít hóa chất Benkocid cho các địa phương triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng.
“Người chăn nuôi cần tập trung chống nắng nóng cho đàn gia súc, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế mầm bệnh. Bên cạnh đó, các hộ cần chủ động mua các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, nhất là các trang trại chăn nuôi tập trung. Về phía các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ, chỉ cho nhập gia súc vào địa bàn nếu có nguồn gốc rõ ràng và giấy kiểm dịch”-ông Thanh khuyến cáo.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm