(GLO)- Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Gia Lai có 606 người bệnh sốt xuất huyết ở 86 xã thuộc 16/17 huyện, thị xã, thành phố, nhưng không có trường hợp tử vong. Các địa phương có số người bệnh cao là TP. Pleiku (166 trường hợp), Krông Pa (115 trường hợp), Chư Pưh (72 trường hợp), Mang Yang (29 trường hợp)...
Sốt xuất huyết xảy ra khắp nơi
Tuần vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận 50 trường hợp sốt xuất huyết; trong đó riêng huyện Mang Yang có 18 trường hợp. Bác sĩ Huỳnh Văn Hừng-Trung tâm Y tế huyện Mang Yang cho hay: “Tình hình bệnh xảy ra tập trung ở thị trấn 14 ca và rải rác ở xã Hà Ra 1 ca, Đak Yă 1 ca và Đak Ta Ley 2 ca. Tình hình bệnh diễn biến nóng so với mọi năm. Thậm chí có nhà tất cả các thành viên đều mắc sốt xuất huyết”.
Trung tâm Y tế huyện Krông Pa triển khai diệt lăng quăng (bọ gậy). Ảnh: Đ.P |
Thành phố Pleiku là trọng điểm của bệnh sốt xuất huyết. Từ năm 2010 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Tính trung bình mỗi năm, thành phố ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc sốt xuất huyết. Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2016, Pleiku ghi nhận số lượng người mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh với 166 trường hợp phân bố rải rác ở 18 xã, phường.
Số lượng bệnh nhân gia tăng đột biến, nhưng hầu hết người bệnh điều trị ở tuyến cơ sở và điều trị ở phòng mạch tư mà ít có trường hợp nặng phải chuyển lên tuyến tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa Gia Lai thu dung và điều trị cho 39 trường hợp mắc sốt xuất huyết, hầu hết điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Ông Rcom Manh-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết nhập viện ít hơn hẳn so với mọi năm. Sáng 22-2, Khoa Bệnh nhiệt đới chỉ còn 5 bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết”.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay bệnh sốt xuất huyết xảy ra rải rác, mầm bệnh có ở khắp nơi nên gây khó khăn cho công tác phòng chống, khoanh vùng dập dịch. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 606 bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng hơn 750% so với cùng kỳ (2 tháng đầu năm 2015 chỉ có 8 bệnh nhân, hầu hết ở TP. Pleiku). Tình hình bệnh sốt xuất huyết xảy ra rải rác trên diện rộng tại 86 xã thuộc 16 huyện, thị xã, thành phố (trừ thị xã Ayun Pa).
Cần giải pháp đồng bộ
Theo bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2016, Trung tâm tham mưu với Sở Y tế, UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng-chống bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm ở người; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tập huấn cho các cộng tác viên; vận động người dân ngủ màn ban ngày, sử dụng các biện pháp phòng muỗi đốt, nhất là với trẻ em và cùng với người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường, phát dọn cỏ quanh nhà, khơi thông cống rãnh, dọn vệ sinh máng xối, ban công, sân thượng, lật đổ các dụng cụ chứa nước mưa, thả cá vào hòn non bộ, bể chứa nước sinh hoạt diệt lăng quăng, đậy kín các lu vại chứa nước… Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện và hóa chất diệt muỗi để tiến hành phun khi có ổ dịch. Phối hợp cùng các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu tác hại của sốt xuất huyết và thực hiện các biện pháp phòng-chống. Treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền và cấp bảng cam kết cho các hộ dân tại các điểm có đông người mắc sốt xuất huyết. Đối với các địa phương có số người mắc sốt xuất huyết cao, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cử cán bộ xuống giám sát, hướng dẫn chuyên môn và triển khai nhiều biện pháp phòng-chống dịch bệnh; tổ chức dọn vệ sinh môi trường…
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn đến việc sốt xuất huyết bùng phát và lây lan nhanh là do điều kiện khí hậu diễn biến thất thường, ban đêm thời tiết lạnh, ban ngày chuyển sang nắng nóng, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và truyền bệnh. Bên cạnh đó, đa phần người dân còn có tâm lý chủ quan trong việc tự phòng-chống bệnh sốt xuất huyết. Người dân chưa mặn mà với việc tự thu gom rác thải, còn xả rác bừa bãi; không xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước và các vật dụng chứa nước vương vãi xung quanh nhà, ngoài môi trường; không thường xuyên phát dọn cây bụi xung quanh nhà. Một nguyên nhân nữa là tình hình khô hạn trên diện rộng khiến nhiều người dân trữ nước sinh hoạt trong các bình chứa nhưng không đậy kín nắp và không tuân thủ việc thả cá diệt lăng quăng (bọ gậy) và súc rửa bể nước 1 lần/tuần. Sau Tết, nhiều gia đình để bình hoa, chậu cây cảnh chứa nước trong nhà tạo môi trường cho muỗi sinh sôi, truyền bệnh…
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, để công tác phòng-chống sốt xuất huyết có hiệu quả hơn, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo và hỗ trợ cho hệ thống y tế trong việc phòng-chống dịch bệnh, tăng cường truyền thông trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, mỗi người dân, mỗi gia đình phải nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết để chủ động phòng tránh và chữa trị kịp thời.
Đức Phương