Nghĩ rằng món quà “nhân sâm Hàn Quốc” tốt cho cơ thể, nhưng sau 3 tháng ngâm rượu rồi sử dụng cả chủ nhà lẫn 5 người bạn “hảo tửu” đều mắc các triệu chứng buốt đầu, đau bụng và gây nôn liên tục, phải nhập viện trong tình trạng khó thở, người nhợt nhạt.
Hủ rượu sâm gây ngộ độc được thu giữ. Ảnh: Nguyễn Giác |
Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm sau khi nhận được thông tin ngộ độc do uống rượu, đã cử đoàn xuống hiện trường điều tra và thu mẫu về kiểm tra, kết quả âm tính với methanol (một loại độc tố được pha trong rượu đã gây ra nhiều vụ ngộ độc và dẫn đến chết người trong 2 năm qua tại Gia Lai). Bất ngờ trước kết quả trên, các cán bộ tại đây đã tìm hiểu thêm về loại củ đang được ngâm trong hũ rượu bổ thì thấy đây là loại củ của cây có tên thương lục hay còn được gọi là trưởng bất lão, kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. (P. esculenta Van Houtte), là cây mới được du nhập vào nước ta vài chục năm trước. Trong nước vốn có sẵn loài thương lục, còn gọi là thương lục Mỹ hay dân gian gọi là cây sâm voi vì cây mau lớn, sau 6-7 tháng cho củ to bằng cổ tay hình rất giống củ sâm, dẫn đến sự nhầm tưởng của một số người.
Các bệnh nhân uống nhầm rượu độc đã bình phục trở lại sau khi được điều trị và đã xuất viện. Ông Đoàn Mạnh Thắng- Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh cho biết: Trong củ cây thương lục có chất độc đắng gọi là phytolaccatoxin, rất nhiều muối kali nitrat, axit oxymyristinic, dân gian sử dụng để trị bệnh, bằng cách ngâm, nấu và đắp ngoài da. Do giống củ sâm thật nên nhiều người nhầm tưởng và đã bị ngộ độc. Người dân cần hết sức cẩn thận với loại củ mang hình dạng nhân sâm này.
Trong nhiều tài liệu ghi chép về loại củ cây thương lục đều có ghi chú để tránh nhầm lẫn giữa sâm và cây độc. Loại củ này được trồng bán ở các tỉnh phía Bắc và đưa vào miền Nam để bán với tên gọi hồng sâm, được nhiều người mua sử dụng… Độc tính của loại cây này có thể gây sẩy thai, người khỏe mạnh cũng sẽ gây ngộ độc thương tổn, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận.
Trước xu hướng nhiều người có điều kiện kinh tế muốn mua sâm quý ngâm rượu uống nhằm tăng cường sức khỏe và tình trạng sâm giả dưới tên gọi Ngọc Linh bày bán khắp nơi thì nay trên địa bàn tỉnh ta lại có thêm loại sâm dỏm thương lục rất nguy hiểm. Người dân cần đề phòng tránh “tiền mất tật mang”.
Nguyễn Giác