Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai nỗ lực lấp đầy "lỗ hổng" chỉ số năng lực cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2021, Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai đạt 64,9 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành (tăng 12 bậc so với năm 2020), xếp thứ 2 của khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, có đến 5/10 chỉ số thành phần bị giảm điểm so với năm 2020. Vì vậy, tỉnh đang quyết liệt thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm lấp đầy những “lỗ hổng” này.

Nhiều chỉ số giảm sâu

Theo bảng xếp hạng PCI năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Gia Lai có 5 chỉ số thành phần bị giảm điểm so với năm 2020, gồm: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động và cạnh tranh bình đẳng. Trong đó, chỉ số có ảnh hưởng nhiều nhất đến bảng xếp hạng là tính minh bạch có trọng số đến 20%. Tính minh bạch được đánh giá qua 2 khía cạnh: việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp; doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện và giám sát thực hiện chính sách. Đây được xem là chỉ số quan trọng nhất giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp. Chỉ số tính minh bạch năm 2021 của Gia Lai đạt 5,68 điểm, thấp hơn điểm trung vị 0,34 điểm và thấp hơn năm 2020 là 0,71 điểm; xếp thứ 41/63 tỉnh, thành, giảm tới 32 bậc so với năm 2020.

Với tiềm năng phong phú, môi trường đầu tư được cải thiện, Gia Lai ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy
Với tiềm năng phong phú, môi trường đầu tư được cải thiện, Gia Lai ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy



Chỉ số gia nhập thị trường được xem là bước đầu tiên rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu thành phần chủ yếu liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động. Nếu doanh nghiệp được tạo thuận lợi gia nhập thị trường thì không chỉ họ mà chính địa phương cũng được hưởng lợi. Vì thế, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sớm gia nhập thị trường chính là phép thử quan trọng về năng lực, trách nhiệm và thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với nhà đầu tư. Song ở chỉ số này năm 2021, Gia Lai chỉ đạt 6,39 điểm, thấp hơn điểm trung vị 0,49 điểm và thấp hơn so với năm 2020 là 0,82 điểm; xếp thứ 50/63 tỉnh, thành, giảm 3 bậc so với năm 2020.

Chỉ số chi phí thời gian là một trong những yếu tố được các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Bởi không nhà đầu tư, doanh nghiệp nào muốn mất quá nhiều thời gian cho việc giải quyết các thủ tục hành chính hay công tác thanh-kiểm tra. Theo bảng xếp hạng năm 2021, chỉ số chi phí thời gian của Gia Lai đạt 6,84 điểm, thấp hơn điểm trung vị 0,62 điểm và thấp hơn năm 2020 là 1,56 điểm. Vì vậy, trên bảng xếp hạng, chỉ số này của Gia Lai xếp hạng 50/63 tỉnh, thành, giảm đến 34 bậc so với năm 2020.

Chi phí không chính thức cũng là chỉ số Gia Lai bị giảm điểm trong năm 2021 với 6,98 điểm, thấp hơn điểm trung vị 0,08 điểm, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành, giảm 2 bậc so với năm 2020. Chỉ số này được sử dụng để đo lường các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra không liên quan đến sản xuất, đầu tư, tiền phạt và các khoản phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Báo cáo PCI năm 2021 cho thấy, tại Gia Lai, tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra xây dựng là 83%. Với việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, tỷ lệ này là 66%. Đặc biệt, có tới 38% số doanh nghiệp được hỏi đồng ý với ý kiến chi trả “hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu.

Tại hội nghị công bố bảng xếp hạng PCI năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI-nhận định: Khảo sát PCI 2021 tiếp tục phản ánh những khó khăn lớn mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể là 69% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng. Tỷ lệ này với việc tiếp cận vốn là 47%, do biến động thị trường (32%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (27%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (24%). Đáng chú ý, 57,4% doanh nghiệp cho rằng tồn tại hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. Những khó khăn, hạn chế đó cần tiếp tục được xem xét và cải thiện.

Cần giải pháp mạnh

Những năm gần đây, tỉnh rất quan tâm đến việc cải thiện chỉ số PCI. Điều này đã đem lại nhiều kết quả thấy rõ trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp... Đối với những chỉ số thành phần giảm điểm trong năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp mang tính sát sườn, đột phá để cải thiện.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Đối với chỉ số tính minh bạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương công bố công khai các tài liệu quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội; tài liệu pháp lý của trung ương, của tỉnh; các tài liệu về ngân sách nhà nước; thông tin mời thầu, danh mục kêu gọi đầu tư, danh mục các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư (đã có nhà đầu tư và chưa có nhà đầu tư), các văn bản có liên quan khác… trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp nắm bắt thông tin hiệu quả hơn. Cùng với đó, xây dựng cơ chế tương tác 2 chiều giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương thông qua mạng xã hội; xây dựng quy chế trả lời người dân và doanh nghiệp đối với những trường hợp thủ tục hành chính không áp dụng thời gian theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông”.

 

Cải thiện chỉ số PCI là cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều nguồn vốn tư nhân để thúc đẩy kinh tế-xã hội Gia Lai phát triển. Ảnh: Hà Duy
Cải thiện chỉ số PCI là cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều nguồn vốn tư nhân để thúc đẩy kinh tế-xã hội Gia Lai phát triển. Ảnh: Hà Duy


Cũng là đơn vị tiếp xúc trực tiếp khá nhiều với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tối đa chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Sở quán triệt, nghiêm cấm các phòng trực thuộc nhận hồ sơ công việc, hồ sơ thủ tục hành chính tại phòng làm việc. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ công việc, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hoặc tại bộ phận văn thư Sở Công thương. Cùng với đó, Sở thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính tại các phòng chuyên môn, công chức thụ lý giải quyết hồ sơ, tránh tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Trong năm nay, Sở đã thực hiện việc luân chuyển vị trí công tác đối với các công chức thụ lý và tham mưu giải quyết các loại giấy phép của ngành Công thương nhằm đào tạo công chức và khắc phục tình trạng nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở thực hiện công khai, minh bạch mức thu các loại phí như: phí thẩm định kinh doanh thương mại có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại; phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, thẩm định dự toán xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; chi phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm”-ông Binh cho hay.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho rằng: “Hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp phản ánh mỗi năm phải nhiều lần tiếp các đoàn thanh-kiểm tra của các cơ quan khác nhau, dù trước đó, UBND tỉnh đã có quyết định mỗi năm các ngành chức năng thành lập đoàn liên ngành để tổ chức thanh-kiểm tra mỗi doanh nghiệp 1 lần. Mạnh ngành nào ngành nấy kiểm tra sẽ làm mất thời gian, gây khó cho doanh nghiệp. Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cần đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính của tất cả các ngành qua dịch vụ công trực tuyến. Một vấn đề quan trọng nữa là các sở, ngành cần chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo được yêu cầu về cả trình độ lẫn thái độ”.

Cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Những nỗ lực, cam kết của các sở, ngành, địa phương trong việc tạo môi trường đầu tư minh bạch, cắt giảm các chi phí không chính thức, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các khu vực kinh tế là bước đi đúng đắn, được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng và tin tưởng.

 

 HÀ DUY 

Có thể bạn quan tâm