Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm qua (4-7), tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã tổ chức hội nghị lần thứ 13 (mở rộng) nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm và triển khai các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T

Những kết quả khả quan

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan. Kinh tế có mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng đạt 7,39%.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.251 tỷ đồng, bằng 53,6% Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Sản xuất công nghiệp, thương mại-dịch vụ, đầu tư phát triển trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,3 triệu USD, bằng 51,12% chỉ tiêu Nghị quyết. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 55,1 triệu USD, bằng 64% kế hoạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục được cải thiện.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, những vấn đề bức xúc của xã hội được xử lý kịp thời. Công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo; ngành Y tế thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị; công tác xã hội hóa y tế được quan tâm. Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Giải quyết việc làm cho 12.800 lao động, đạt 51,2% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2017. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động.

An ninh chính trị trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững ổn định. Công tác đấu tranh, xóa bỏ hoạt động tà đạo “Hà Mòn” đạt kết quả nhất định. Hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối ổn định, theo chương trình đã đăng ký; các đạo lạ xuất hiện trên địa bàn được lực lượng chức năng chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Công tác đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều cố gắng, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động…

Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Q.T
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Q.T

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, tình hình sản xuất trên một số lĩnh vực còn khó khăn, giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân. Việc triển khai một số chương trình, dự án trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự lan tỏa. Công tác quản lý đất đai nói chung còn bị buông lỏng; tình trạng tổ chức, cá nhân tách thửa, phân lô, bán nền đất nông nghiệp diễn ra phổ biến trên địa bàn TP. Pleiku trong thời gian qua nhưng các cơ quan chức năng chậm vào cuộc.

Công tác cải cách hành chính chưa được cải thiện, một số địa phương chưa thật sự quyết tâm, tích cực trong công tác này; chỉ số cải cách hành chính từ năm 2016 đến nay liên tục giảm. Vẫn còn cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chưa nêu cao vai trò trách nhiệm, tính tiên phong trong công tác phòng-chống tham nhũng; nói chưa đi đôi với làm; nội dung, phương pháp lãnh đạo còn chung chung, thiếu thực tế, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm của cấp dưới. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp. Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ tại một số lĩnh vực chưa cao, còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông chưa thật sự hiệu quả. Phạm pháp hình sự, tự tử, đuối nước xảy ra nhiều; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Đại tá Vũ Văn Lâu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, hoạt động “tín dụng đen” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có chiều hướng gia tăng. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó xử lý vì hầu hết người dân đi vay, nhất là người dân tộc thiểu số, không chịu cung cấp thông tin cho ngành chức năng và mức độ vi phạm của các hoạt động này cũng không đủ cơ sở để xử lý hình sự.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.T
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.T

Đánh giá về tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như giá cả các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, nhất là cây hồ tiêu, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Hiện nay, giá hồ tiêu giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó, tình trạng hồ tiêu bị chết hàng loạt trong thời gian qua (trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có trên 500 ha hồ tiêu bị chết do nhiễm bệnh) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Nguyên nhân dẫn đến hồ tiêu chết hàng loạt là do người dân lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; người dân ồ ạt chuyển đổi từ diện tích cà phê, cao su sang trồng hồ tiêu cách đây 3-4 năm nhưng không xử lý đất đúng cách; sử dụng cây giống không được kiểm soát tốt nguồn gốc… Do đó, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không nên lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp gắn với tiêu thụ, tránh tình trạng ồ ạt chuyển đổi gây phá vỡ quy hoạch…

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu các cấp, các ngành cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, cách làm, tiếp tục bám sát nội dung các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018 để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương đảm bảo kịp thời và đúng định hướng. Triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2018. Triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện tốt công tác phối hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, đất đai, nhất là đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, lấy dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và xem đây là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2018 và những năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới; đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia để đảm bảo tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2018 đạt 33% trở lên. Ngành Y tế nâng cao năng lực, chất lượng khám-chữa bệnh, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.

Lực lượng Công an đẩy mạnh công tác đấu tranh, bóc gỡ các điểm nhóm phục hồi “Tin lành Đê-ga”, xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”, phòng-chống vượt biên. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng cho vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng kế hoạch đi cơ sở hiệu quả, thiết thực theo phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”…

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm