Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng mở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, tỉnh Gia Lai đã có 183/184 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn phát triển đồng bộ, đảm bảo khả năng liên kết cung cầu hàng hóa đòi hỏi phải xây dựng lại yêu cầu thực hiện tiêu chí này theo hướng mở.



Hình thành từ khá lâu, điểm buôn bán tập trung tại làng Khóp (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của các hộ dân sinh sống quanh khu vực này. Chị Lê Thị Phượng-tiểu thương buôn bán tại đây-cho hay: “Tuy chỉ có hơn chục hộ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, tạp hóa, quần áo, đồ gia dụng nhưng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Không chỉ giúp các tiểu thương có thu nhập ổn định, điểm buôn bán này còn tạo thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm hàng hóa mà không phải mất công đi xa”.

 Điểm họp chợ tại làng Khóp (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong khu vực. Ảnh: V.T
Điểm họp chợ tại làng Khóp (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong khu vực. Ảnh: V.T



Theo ông Siu Luynh-Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, dù chưa có chợ nhưng xã vẫn hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn do đảm bảo điều kiện mua bán, trao đổi hàng hóa. “Do đây là tiêu chí mở nên xã đã giảm được áp lực trong huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Từ đó, địa phương có điều kiện tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí khác”-ông Siu Luynh khẳng định.

Tương tự, xã Ia Khươl (huyện Chư Pah) cũng không quy hoạch xây chợ trong giai đoạn 2016-2020. Bà Phạm Thị Hồng Thắm-công chức Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng xã Ia Khươl-cho biết: “Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, xã không quy hoạch chợ do điều kiện dân cư sống rải rác. Bên cạnh đó, xã nằm cạnh xã Hòa Phú và cách trung tâm TP. Kon Tum chỉ 15 km nên người dân khi có nhu cầu thường đến những chợ ở đó mua sắm. Ngoài ra, tại hầu hết các thôn, làng của xã đều có điểm buôn bán nhỏ lẻ, việc thành lập khu chợ họp ở ngã ba Trà Huỳnh (làng Tơ Vơn 1) với hơn chục hộ cũng đáp ứng tốt nhu cầu mua bán trên địa bàn”.

Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương-cho hay: Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là tiêu chí mở. Do đó, các xã căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để lựa chọn hình thức thực hiện cho phù hợp. Đến nay, toàn tỉnh có 183/184 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chỉ còn xã An Trung (huyện Kông Chro) là chưa đạt. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng chợ nông thôn thời gian qua là hơn 14 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách và huy động tư thương đóng góp. Hiện toàn tỉnh có 93 chợ (trong đó có 53 chợ xã, 40 chợ thị trấn, phường). Hệ thống chợ được phân bố ngày càng hợp lý, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cao đã đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. 

Cũng theo ông Lộc, để cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn phát triển bền vững, cần thiết phải xây dựng lại yêu cầu thực hiện tiêu chí này dựa trên rà soát quy hoạch chi tiết toàn tỉnh về thương mại. Trong đó, cần phát triển chợ liên xã dựa trên khả năng kết nối với chợ đầu mối, các chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố nhằm tạo động lực liên kết cung cầu hàng hóa. Đồng thời, thu hút nguồn vốn đầu tư và chỉ thực hiện xây dựng chợ ở những xã vùng sâu, vùng xa, không có khả năng liên kết thương mại với vùng trung tâm của địa phương bằng ngân sách nhà nước; khuyến khích phát triển các loại hình hạ tầng thương mại quy mô nhỏ như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp tại khu dân cư. Như vậy sẽ tránh được tình trạng việc thực hiện và đánh giá tiêu chí này ở mỗi xã khác nhau (có chợ hay không có chợ đều đánh giá hoàn thành), dẫn đến việc cơ sở hạ tầng thương mại phát triển không đồng bộ, không có khả năng liên kết cung cầu.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm