Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai quan tâm làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Gia Lai là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, tỉnh có số lượng lớn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 65.975 trường hợp được xác nhận giải quyết chế độ, chính sách người có công. Hiện toàn tỉnh có trên 12.390 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng với số tiền trên 21 tỷ đồng/tháng; trong đó có 2.145 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.320 bệnh binh, 1.922 người được trợ cấp tuất, 2.273 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.515 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…

  Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa phải) tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Diện (tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tháng 7-2021. Ảnh: Quang Tấn
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa phải) tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Diện (tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tháng 7-2021. Ảnh: Quang Tấn


Những năm qua, tỉnh và các địa phương luôn duy trì thực hiện tốt phong trào chăm sóc người có công với cách mạng. Cụ thể là tạo nguồn lực hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng còn khó khăn về đời sống, nhà ở; khuyến khích các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, chính trị-xã hội, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng cùng tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình người có công với cách mạng. Việc thăm hỏi, động viên gia đình có công với cách mạng được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm triển khai, nhất là vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương, ngành.

Hàng năm, việc tổ chức điều dưỡng tập trung và tại nhà cho người có công được thực hiện đúng theo quy định. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ điều dưỡng tại nhà cho trên 22.000 lượt người có công và thân nhân người có công; điều dưỡng tập trung cho trên 1.200 lượt người có công tại các cơ sở điều dưỡng ở Đà Nẵng, Nha Trang, Lâm Đồng, Quảng Nam... Mỗi năm, tỉnh đều bố trí kinh phí để tổ chức cho 40 người có công tiêu biểu đi tham quan Hà Nội và một số tỉnh có các di tích lịch sử; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 và Tết Nguyên đán.

Công tác chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng người có công với cách mạng nói chung và thương binh, bệnh binh nặng nói riêng được các địa phương thực hiện chu đáo. Ngoài các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên khi ốm đau, giúp đỡ khi các đối tượng gặp khó khăn đột xuất; xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ mua sắm trang-thiết bị cần thiết phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho các đối tượng. Việc xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cá nhân quan tâm, tự nguyện tham gia đóng góp. Trong 10 năm qua, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã vận động được trên 23 tỷ đồng. Nguồn quỹ được tập trung cho công tác sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng người có công thực sự khó khăn về nhà ở; xây mới, nâng cấp, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người có công và thân nhân khi ốm đau, tặng quà cho những gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống.

Trong 10 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ xây mới 1.117 căn nhà và sửa chữa 683 căn với tổng kinh phí trên 58,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ làm nhà cho người có công còn khó khăn. Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhiệt tình đóng góp kinh phí, ngày công lao động cùng với nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng, sửa chữa 3.142 căn nhà cho người có công với tổng trị giá trên 113 tỷ đồng. Hiện tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được hỗ trợ xây dựng nhà khang trang, được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời và thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên khi ốm đau; mức tiền phụng dưỡng là 1,5-2 triệu đồng/tháng/mẹ.

Cùng với chăm sóc người có công với cách mạng, công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ luôn được các cấp, các ngành quan tâm chăm sóc, tu sửa thường xuyên. Toàn tỉnh hiện có 59 công trình ghi công liệt sĩ gồm: 13 nghĩa trang liệt sĩ, 35 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 3 đài tưởng niệm liệt sĩ, 5 đền thờ liệt sĩ và 3 ngôi mộ chung. Đây là nơi an táng của 11.028 liệt sĩ. Ngoài nguồn kinh phí do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đầu tư, hàng năm, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp đã huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Tổng kinh phí đầu tư cho các công tác này trong 10 năm qua là trên 130 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương và Nhân dân đã đóng góp ngày công lao động để vệ sinh, tu bổ một số hạng mục xuống cấp bảo đảm các công trình ghi công liệt sĩ của tỉnh khang trang, sạch đẹp.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được quan tâm triển khai. Từ 2012 đến nay, toàn tỉnh đã quy tập an táng 467 hài cốt liệt sĩ trong nước, 356 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng dẫn các phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt và thân nhân liệt sĩ gửi Cục Người có công phục vụ công tác giám định gen, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo quy định. Từ năm 2013 đến nay, đã lấy mẫu sinh phẩm 178 trường hợp để xác định ADN danh tính hài cốt liệt sĩ, trong đó có 4 trường hợp đã xác định được ADN cùng huyết thống, 4 trường hợp xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chế độ chính sách người có công. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa chăm sóc người có công gắn với các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục nâng cao đời sống người có công và gia đình chính sách trên địa bàn.

 

TỐNG THỚI MỐC

 

Có thể bạn quan tâm