Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Gia Lai quyết liệt dập dịch bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ ngày 3-7 đến 2-8, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 31 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại huyện Đak Đoa. Các ca dương tính tập trung tại huyện Đak Đoa (25 ca), Ia Grai (5 ca) và TP. Pleiku (1 ca). Hiện nay, các ổ dịch đã được kiểm soát, xử lý tốt.
Khoanh vùng dập dịch
Đak Đoa là địa phương đầu tiên ghi nhận ca dương tính với bệnh bạch hầu. Từ ngày 3 đến 26-7, toàn huyện ghi nhận 25 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Từ ngày 27-7 đến nay, chưa ghi nhận thêm ca mắc mới. Các ca bạch hầu rải rác tại 5 xã gồm: Hải Yang, Đak Sơ Mei, Hnol, Đak Krong và xã Trang.
Ngay sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, ngành Y tế huyện Đak Đoa phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương khẩn trương dập dịch. Ông Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-thông tin: Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Trung tâm Y tế huyện đã báo cáo Sở Y tế, UBND huyện và tham mưu các  biện pháp chống dịch trên địa bàn.
“Từ ngày 4-7 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức khám và cấp phát thuốc điều trị dự phòng cho người dân 5 xã có ổ dịch với tổng số được khám, cấp thuốc là gần 8.000 người. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tiến hành tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu mũi 1 cho các đối tượng từ 48 tháng tuổi trở lên tại 5 xã. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh giúp người dân hiểu về bệnh bạch hầu và có các biện pháp phòng-chống dịch, khi có các dấu hiệu nghi ngờ như: sốt, đau họng, ho… thì đến cơ sở y tế khám, cách ly, điều trị kịp thời. Nhờ vậy, các ổ dịch đã được kiểm soát tốt, không lây lan thêm”-ông Chính nói.
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Như Nguyện
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Như Nguyện
Không chỉ 2 huyện Đak Đoa và Ia Grai mà tại TP. Pleiku cũng đã ghi nhận 1 trường hợp dương tính với bạch hầu ở làng Phung 1 (xã Biển Hồ) vào ngày 27-7. Công tác khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức được ngành chức năng địa phương triển khai. Từ ngày 27-7 đến nay, TP. Pleiku chưa ghi nhận thêm ca mắc mới.
Ông Dương Đình Sơn-Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) cho biết: “Chúng tôi đã kích hoạt đội phản ứng nhanh xuống giám sát, đồng thời khám sàng lọc, cấp thuốc điều trị dự phòng cho hơn 300 người dân làng Phung và người có tiếp xúc gần với ca bệnh; xử lý, phun hóa chất, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, khuyến cáo người dân ăn chín uống sôi, ở sạch, vệ sinh môi trường; khi có triệu chứng sốt, ho đau họng thì phải đến cơ sở y tế khám và điều trị”.
Ổn định đời sống
Cùng với ngành Y tế, chính quyền các địa phương cũng đã chung tay thực hiện các giải pháp xử lý triệt để ổ dịch. Tại xã Biển Hồ, UBND xã thành lập 3 chốt kiểm soát tại các trục đường vào làng Phung 1; vận động bà con tránh tập trung đông người, hạn chế qua lại và tiếp xúc khu vực có dịch bệnh.
Ông Trần Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ-cho hay: Sau khi có trường hợp mắc bạch hầu, UBND xã đã triển khai phương án phong tỏa sơ bộ tại làng có bệnh nhân dương tính với bạch hầu. Các ban ngành, đoàn thể phối hợp với Bí thư chi bộ, Trưởng thôn tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về dịch bệnh. Bố trí lực lượng chốt chặn, yêu cầu bà con chấp hành nghiêm việc phòng-chống dịch, đeo khẩu trang…
“Dự kiến, các chốt sẽ duy trì từ 1 tuần cho đến 10 ngày tùy theo tình hình dịch bệnh. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm”-ông Tuấn khẳng định.
Phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại làng Phung 1, xã Biển Hồ, TP.Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại làng Phung 1 (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Tại 9 xã, thị trấn trong tỉnh có ổ dịch bạch hầu, công tác chống dịch được triển khai trên tinh thần ngăn chặn, dập dịch không để lây lan thêm, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không lo lắng, hoang mang. “Dân làng thực hiện nghiêm việc cách ly, uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm phòng đầy đủ”-bà Tpech (làng Bông Hiot, xã Hải Yang) chia sẻ.
Theo Sở Y tế, đến nay, tổng số trường hợp khám sàng lọc bạch hầu là 10.503 người, đã cấp 91.802 liều Erythromycin điều trị dự phòng cho người dân. Hiện tại đã có 6 xã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu; 3 xã, thị trấn còn lại sau khi uống thuốc dự phòng xong sẽ triển khai tiêm ngay.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: “Nhìn chung, các ổ dịch bạch hầu đang được kiểm soát tốt. Ngành Y tế cũng đã tập huấn phòng-chống bệnh bạch hầu cho tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố nên các địa phương đều chủ động, sẵn sàng phòng-chống dịch”.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm