(GLO)- Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng là một trong những ngày lễ trọng đại và giàu ý nghĩa với cả dân tộc Việt Nam. Đây cũng là lễ hội về nguồn lớn nhất trong năm, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Ở Gia Lai, hằng năm cứ đến ngày 10-3, hàng ngàn người con đang sinh sống, học tập, làm việc trên mảnh đất này đều hội tụ về Công viên Văn hóa Đồng Xanh (xã An Phú- TP. Pleiku) để dâng một nén tâm nhang thành kính lên Quốc Tổ.
Muôn phương hướng về ngày Giỗ Tổ
Từ năm 2001, Chính phủ quy định về quy mô và nghi lễ tổ chức sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Theo đó, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10- 3 âm lịch chính thức trở thành ngày Quốc lễ, ngày hội lớn quy tụ cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Là một trong các điểm thờ Vua Hùng trong cả nước, Đền tưởng niệm Vua Hùng tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh (xã An Phú- TP. Pleiku) đã trở thành nơi tỏ lòng thành kính của những người con đất Tổ nói riêng và nhân dân Gia Lai nói chung.
Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh. Ảnh: Nguyễn Giác |
“Dù ai đi ngược về xuôi- Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”. Dù mới chỉ là ngày mùng 9.3 âm lịch, nhưng Hội đồng hương Vĩnh Phú (nay là 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) tại Gia Lai đã tụ hội về Đền Hùng rất đông để làm lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.
Được thành lập từ năm 1996 đến nay, Hội đã quy tụ được hàng ngàn hội viên. Hàng năm, Hội đều tổ chức ngày Giỗ tổ quy mô và ấm cúng. Các chi hội cùng nhau giao lưu văn nghệ, làm bánh chưng, bánh dày, lễ vật…để dâng lên các Vua Hùng. Ông Đỗ Xuân Thu-Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai-cho biết hiện nay Hội đã thu hút được rất nhiều hội viên là những người con đất Tổ đang làm ăn, sinh sống tại Gia Lai như: Chi hội Thành Phố, chi hội Chư Pah, Đức Cơ, Chưprông… Các hội viên đều nhiệt tình tham gia với tâm thành kính với quê hương đất Tổ. Vào ngày này, mọi người cùng nhau chuẩn bị lễ vật (hoa quả, trầu cay, bánh…) để làm lễ dâng hương.
Ông Thu phấn khởi chia sẻ: “Cũng như mọi năm, năm nay những người con đất Tổ như chúng tôi rất vui lại được cùng nhau lên đền thờ Vua Hùng tại Gia Lai thắp những nén nhang thành kính hướng về ngày Quốc Tổ. Đã là con cháu Lạc Hồng thì ở đâu cũng là quê hương. Đây cũng là dịp để chúng tôi cùng nhau quây quần, hội tụ cho vơi bớt nỗi nhớ quê hương đất Tổ”. Bà Lã Thị Hương (chi hội đồng hương Vĩnh Phú tại Ia Băng- Chưprông) cho biết: “Tôi vào Gia Lai đã 18 năm, Giỗ tổ năm nào tôi tham gia. Năm nay, tôi đem theo con cháu trong gia đình tới Đền Hùng để dâng hương tưởng niệm. Hãy để con cháu về đền Hùng để tưởng nhớ tổ tông tiên rồng, để thể hiện lòng biết ơn các vua Hùng”.
Thiêng liêng ngày Giỗ Tổ
Ngày này cả nước cùng hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu: mỗi người nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương thì gia đình yên ổn, xã hội phồn vinh, phát triển. Thông qua ngày giỗ Tổ, Tổ tiên ta còn có hoài bão muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước an dân. Đó là nỗi lo muôn thuở, là tấm lòng bao dung, tha thiết, rộng mở của Chư Tổ còn vang vọng mãi khắp núi sông: "Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu".
Tại Phú Thọ, năm nay phần Hội có nhiều hoạt động đặc sắc, với sự tham gia của các tỉnh như : Điện Biên, Bình Dương, Nghệ An, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng. Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức với quy mô rộng, từ TP Việt Trì cho đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và khu vực phụ cận, gắn với chương trình "Du lịch về cội nguồn" của 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái- Lào Cai.
Trong thời gian tổ chức lễ hội, tại Khu di tích sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn như thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy của một số tỉnh, thành phố; thi đấu bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ của các huyện, thị, thành. Điểm nhấn trong phần Hội năm nay là các hoạt động quảng bá hát Xoan và Liên hoan Tiếng hát làng Xoan lần thứ nhất.
Chụp hình cưới trong ngày Giỗ Tổ. Ảnh: Trần Dung |
Cùng hòa chung không khí với toàn dân tộc, nhân dân Gia Lai cũng về với ngày Quốc Tổ trong không khí ấm cúng và thiêng liêng tại Đền thờ Vua Hùng. Ông Nguyễn Trần Hanh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai cho biết: “ Đây là dịp để người con Gia Lai cùng nhau tìm về một hướng: cội nguồn linh thiêng của dân tộc mình. Các nghi lễ dâng hương, dâng hoa sẽ diễn ra tại Đền thờ Vua Hùng vào lúc 10 giờ sáng 30-3. Gồm có: Đội tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội; tiêu binh rước vòng hoa; đọc diễn văn tưởng nhớ các Vua Hùng; dâng rượu, dâng hương và mâm lễ vật truyền thống (bánh chưng, bánh dày, trầu cau…), sau đó đại diện các sở, ban ngành trong tỉnh cùng các đoàn tham dự thắp hương ban thờ các Vua Hùng.”
Giỗ Tổ là ngày linh thiêng, đặc biệt nên những đôi nam thanh nữ tú đã chọn ngày này làm ngày trọng đại trong cuộc đời mình. Hàng loạt bộ ảnh cưới được thực hiện tại công viên Đồng Xanh. Ngày vui của họ thực sự có ý nghĩa trong ngày Quốc lễ của dân tộc. Ngoài ra, các hoạt động của Lễ hội Đền Hùng diễn ra trong phạm vi công viên văn hóa Đồng Xanh cũng đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Lễ dâng hương và lễ vật được tổ chức trang trọng trong không khí linh thiêng với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Gia Lai, cán bộ lão thành cách mạng, hội đồng hương Phú Thọ tại Gia Lai, nhân dân địa phương và du khách.
Trần Dung