Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai sẵn sàng cho ngày tựu trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơ sở vật chất trường học được tu sửa và xây mới, đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, học sinh được củng cố kiến thức trong hè… Tất cả các điều kiện đã sẵn sàng cho mùa tựu trường năm học mới 2019-2020.
Hoàn thiện đội ngũ và hạ tầng
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã gần như hoàn tất, trong đó có việc chuẩn bị cơ sở vật chất và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, giáo viên. Theo ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, ngành đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường mầm non và các trường ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Sở cũng đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các trường trực thuộc chủ động rà soát trang-thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, đồ dùng học tập, các đầu sách cho thư viện và tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ cho năm học mới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh dự lễ khánh thành công trình Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ama Trang Lơng (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh). Ảnh: Dung Tấn
Đồng chí Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh dự lễ khánh thành công trình Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ama Trang Lơng (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh). Ảnh: Dung Tấn
Ở huyện biên giới Đức Cơ, những ngày này, không khí tất bật chuẩn bị cho năm học mới lan tỏa khắp các trường học. Cô Tân Thị Hạp-Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (xã Ia Kriêng) cho biết: Năm học này, nhà trường được UBND huyện đầu tư xây dựng thêm nhà hiệu bộ, 2 phòng học và các hạng mục phụ với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Nhìn chung, cơ sở vật chất của trường đã cơ bản đảm bảo yêu cầu dạy và học. Tuy nhiên, vì thêm nhiều lớp học nên nhà trường còn thiếu giáo viên. Do vậy, nhà trường đã đề xuất Phòng GD-ĐT huyện để xin chỉ tiêu biên chế.
Còn tại xã biên giới Ia Mơr của huyện Chư Prông, mặc dù trời mưa liên tiếp trong những ngày qua khiến đường sá đi lại hết sức khó khăn, song các thầy-cô giáo của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Văn Trỗi vẫn thường xuyên bám trường để gấp rút hoàn tất những phần việc cho năm học mới. Thầy Trần Hà Thanh-Phó Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Ban Giám hiệu đã phân công giáo viên và học sinh vệ sinh khuôn viên trường lớp khang trang, sạch sẽ; bố trí trang-thiết bị phục vụ công tác dạy và học, đảm bảo yêu cầu chất lượng đề ra; đồng thời chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa để cấp phát cho học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách”.
Hòa chung không khí chuẩn bị cho mùa tựu trường, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây (phường An Phú, thị xã An Khê) cũng đang tập trung quét dọn sân trường, cắt tỉa cây xanh, trồng hoa và cây cảnh trong khuôn viên trường. “Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân sáp nhập với Trường Tiểu học Ngô Mây thành Trường Tiểu học Ngô Mây. Năm học sắp tới, toàn trường có 47 lớp với hơn 1.600 học sinh. Hiện nhà trường đã kêu gọi xã hội hóa được gần 200 triệu đồng mua 1 hồ bơi thông minh rộng 100 m2 để tổ chức học bơi cho học sinh khối lớp 3, 4 và 5. Chúng tôi tự hào là đơn vị đầu tiên của thị xã An Khê có hồ bơi để dạy bơi cho học sinh”-cô Huỳnh Thị Hương-Hiệu trưởng nhà trường-phấn khởi nói.
Tại các trường mầm non trên địa bàn thị xã An Khê, công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng nhộn nhịp không kém. Cô Bùi Thị Út-giáo viên Trường Mầm non Măng Non (xã Thành An) vui vẻ bày tỏ: “Vừa qua, tôi cùng với một số cô giáo trong trường đã tự tay sơn sửa đồ dùng học tập, cắt tỉa cây xanh và xây dựng những khu vườn cổ tích tràn ngập sắc hoa để đón chào các bé bước vào năm học mới. Trên sân trường và lối đi, chúng tôi cũng mua sơn về vẽ nhiều họa tiết hoa văn và các hình khối nhằm tạo nên không gian sinh động, bắt mắt hơn”.
Các cô giáo Trường Mẫu giáo Măng Non (xã Thành An, thị xã An Khê) mua sơn trang trí khuôn viên trường học. Ảnh: N.M
Các cô giáo Trường Mẫu giáo Măng Non (xã Thành An, thị xã An Khê) mua sơn trang trí khuôn viên trường học. Ảnh: N.M
Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên với 973 chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới; phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.800 cán bộ, giáo viên cốt cán ở tất cả các bậc học và bồi dưỡng chính trị trong hè cho 161 cán bộ quản lý giáo dục nhằm cập nhật, tăng cường kiến thức, khả năng quản lý, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu cũng như nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. “Sở cũng chỉ đạo các đơn vị hoàn tất công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp; rà soát biên chế đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các cấp học để điều chuyển ở những trường thừa giáo viên sang các trường thiếu giáo viên, sau đó nếu vẫn còn thiếu thì sẽ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh bổ sung”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay.
Tập trung vận động học sinh ra lớp
Bước vào năm học mới 2019-2020, toàn tỉnh có 774 trường mầm non, phổ thông (giảm 14 trường so với năm học 2018-2019 do sáp nhập) với khoảng 402.214 học sinh (tăng 6.547 học sinh so với năm học trước); trong đó, bậc mầm non có 86.534 học sinh, phổ thông có 311.700 học sinh, hệ giáo dục thường xuyên có 3.980 học sinh. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai thực hiện cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” với mục tiêu: huy động hết học sinh 5 tuổi vào lớp mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp 1; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; trẻ ở độ tuổi phổ cập giáo dục THCS đã bỏ học tiếp tục đi học lại; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục-xóa mù chữ và đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Giáo viên Trường THCS Lê lợi (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đến nhà vận động học sinh ra lớp. Ảnh: Ngọc Sang
Giáo viên Trường THCS Lê lợi (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đến nhà vận động học sinh ra lớp. Ảnh: Ngọc Sang
Tại xã vùng khó Kon Gang (huyện Đak Đoa), tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm đến 96% nên công tác vận động học sinh ra lớp được chính quyền địa phương và trường học đặc biệt chú trọng, quyết tâm không để vắng học sinh ngay từ buổi học đầu tiên. Ông Phạm Xuân Phúc-Chủ tịch UBND xã Kon Gang-cho biết: Sau khi sáp nhập, trên địa bàn xã hiện chỉ có Trường Tiểu học và THCS Đinh Tiên Hoàng. Để đảm bảo các cháu đủ độ tuổi đều được đến trường, đồng thời góp phần duy trì sĩ số học sinh trong năm học mới, xã đã thành lập các tổ công tác vận động học sinh đến trường, phân công nhiệm vụ phụ trách theo dõi từng thôn, làng cụ thể. Thầy Lê Thanh Hương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Tiên Hoàng-thông tin: “Nhà trường đã phân công giáo viên chủ động phối hợp với các tổ công tác của xã trong việc nắm bắt tình hình, vận động học sinh đến trường. Vừa qua, chúng tôi cũng trực tiếp xuống tận từng làng để triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, vận động cha mẹ học sinh ký cam kết cho con em đi học rồi mới tiến hành làm hồ sơ cho các em. Năm học này, toàn trường có tổng cộng 614 học sinh với 21 lớp ở cả 2 cấp học. Ngoài 2 cơ sở trung tâm, trường còn có 3 phân hiệu tại các làng KTập, Dung Rơ và thôn Cẩm Bình. Riêng 2 phân hiệu tại làng Klot và Ktu, năm học này, nhà trường có chủ trương tiết giảm, rút gọn cơ sở vật chất nên sẽ huy động tất cả học sinh về học tại cơ sở trung tâm”. 
Năm học 2019-2020, học sinh học ở phân hiệu của Trường Tiểu học và THCS Đinh Tiên Hoàng tại làng Ktu sẽ được huy động về cơ sở trung tâm. Ảnh: Hồng Thi
Năm học 2019-2020, học sinh học ở phân hiệu của Trường Tiểu học và THCS Đinh Tiên Hoàng tại làng Ktu sẽ được huy động về cơ sở trung tâm. Ảnh: Hồng Thi

Trong năm 2019, ngành GD-ĐT đã triển khai sửa chữa, cải tạo trường lớp và các hạng mục khác với tổng kinh phí hơn 180,9 tỷ đồng; đồng thời đầu tư hơn 41,6 tỷ đồng cho 7 trường THPT để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (Trung ương cấp 35 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng địa phương). Ngoài ra, ngành cũng tập trung mua sắm trang-thiết bị liên quan đến các bộ môn Lý-Hóa-Sinh, Giáo dục thể chất và thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị dùng chung, sách cho thư viện, 480 bộ máy vi tính, 3.811 bộ bàn ghế học sinh, bảng tương tác, máy chiếu… với tổng kinh phí trên 61 tỷ đồng.


Năm học 2019-2020, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang) sẽ đón 246 học sinh theo học ở 9 lớp, trong đó có 5 lớp bậc tiểu học và 4 lớp bậc THCS. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thuấn, với đặc thù 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, ngay những ngày đầu tháng 8, nhà trường đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền họp làng, họp phụ huynh thông báo số học sinh có trong danh sách trúng tuyển, đồng thời vận động học sinh đến trường sớm nhằm tăng cường dạy tiếng Việt cho các em; sử dụng các phương tiện hiện đại như máy chiếu, ti vi màn hình lớn để thu hút sự chú ý của các em. Ngoài ra, từ ngày 1-8, tập thể giáo viên nhà trường đã tập trung để vệ sinh trường, lớp; trồng và cải tạo vườn rau, vườn thuốc Nam nhằm tạo nguồn rau xanh, dược liệu cho học sinh bán trú sử dụng.
Tương tự, tại Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ), vấn đề vận động học sinh ra lớp vào đầu năm học cũng được quan tâm. Do địa bàn trải dài, trường lại không có điểm trường lẻ nên rất nhiều em phải đến lớp trên một quãng đường rất xa, đặc biệt là 2 làng Do và Ghè. “Để đảm bảo sĩ số, từ nguồn kinh phí theo Nghị định 116 của Chính phủ, nhà trường đã hợp đồng thuê 2 xe đưa đón 72 học sinh. Hiện nay, ngoài công tác chuyên môn, nhà trường đang tích cực đến tận nhà để vận động học sinh ra lớp nhằm đảm bảo tỷ lệ đạt 100%”-Hiệu trưởng nhà trường Hồ Sỹ Thắng cho hay.

Thời gian tựu trường bậc THCS là ngày 19-8 và học chính thức vào ngày 26-8; bậc mầm non và tiểu học sẽ tựu trường ngày 26-8 và chính thức học tập ngày 3-9. Đồng loạt các trường sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5-9.

Nhóm PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm