Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai sẵn sàng ứng phó với bão số 10

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 4-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 9, triển khai ứng phó với bão số 10 tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bên phải)-kiểm tra thiệt hại do bão số 9 của gia đình ông Đinh Phă (làng Groi, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ). Ảnh: Ngọc Sang
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bìa phải)-kiểm tra thiệt hại do bão số 9 của gia đình ông Đinh Phă (làng Groi, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ). Ảnh: Ngọc Sang
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Bão số 9 đã làm gần 1.600 ha cây trồng trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng; 13 con gia súc bị cuốn trôi; 92 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 2 căn bị tốc mái hoàn toàn. Ngoài ra, một số công trình công cộng và các tuyến giao thông cũng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do bão gây ra gần 13 tỷ đồng, trong đó, hoa màu thiệt hại hơn 11 tỷ.
Ngay sau khi bão đi qua, UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương thống kê mức độ thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục để giúp người dân ổn định đời sống, tái đầu tư sản xuất. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả đã cơ bản hoàn thành.
Còn tại thị xã An Khê, bão số 9 cũng gây thiệt hại khoảng 13,5 tỷ đồng. Ngoài 195 nhà dân bị tốc mái, trần nhà, mái hiên thì nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng bị sập tường rào, tốc mái. Về sản xuất nông nghiệp, toàn thị xã có gần 500 ha cây trồng bị ảnh hưởng, 6 bè cá bị nước cuốn trôi…
Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho hay: "Đến nay, công tác giúp dân sửa chữa nhà ở đã cơ bản hoàn tất. Riêng những cơ sở trường học bị tốc mái, các đơn vị liên quan đang khẩn trương thống kê thiệt hại, báo về UBND thị xã để có phương án hỗ trợ sửa chữa".
Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đánh giá cao công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 9 của huyện Đak Pơ và thị xã An Khê. Qua đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục huy động lực lượng, vận động người dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra để ổn định cuộc sống. Đồng thời, thống kê cụ thể mức độ thiệt hại để đề nghị tỉnh hỗ trợ theo quy định.
Lực lượng dân quân xã Ya hội giúp người dân lợp lại mái nhà. Ảnh: Ngọc Sang
Lực lượng dân quân xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) giúp người dân lợp lại mái nhà. Ảnh: Ngọc Sang
Sẵn sàng ứng phó bão số 10
Để ứng phó với bão số 10, theo Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, lãnh đạo các phòng, ban của huyện đã chủ động tổ chức đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng-chống lụt bão tại các xã, thị trấn; sẵn sàng triển khai các phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản… Đồng thời, UBND huyện yêu cầu các chủ hồ, đập trên địa bàn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến mưa lũ; bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là với các công trình đã tích đủ nước; thường xuyên kiểm tra, đánh giá các công trình hồ chứa nhằm phát hiện nguy cơ mất an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên: “Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo địa bàn được phân công chủ động tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh. Tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian xảy ra bão lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại”.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: Ủy ban nhân dân thị xã yêu cầu các xã, phường theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 10, tổ chức trực ban Ban Chỉ huy PCTT-TKCN 24/24 giờ để nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. “Ủy ban nhân dân thị xã đã phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN đi kiểm tra, đôn đốc, triển khai công tác ứng phó với mưa lũ, tuyệt đối không để thiệt hại về người, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Triển khai công tác ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất đá trong mọi tình huống. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có nguy cơ ngập lụt (các ngầm, tràn), cụ thể các ngầm xã Xuân An và ngầm phường Ngô Mây, các tuyến đường giao thông bị ngập lụt, sạt lở khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn”-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết thêm.

Trong khi đó, các huyện, thị xã Đông Nam tỉnh cũng đang chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-thông tin: Hiện nay, người dân đã thu hoạch xong lúa vụ mùa. Để chủ động phòng-chống bão lũ, UBND huyện đã có công văn yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng ban, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 12/CĐ-UBND của UBND tỉnh. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã, thị trấn thông báo rộng rãi diễn biến tình hình mưa bão cho toàn thể nhân dân biết để chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sau khi đi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên chỉ đạo: Các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện nghiêm túc thực hiện Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 2-11 của UBND tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tổ chức rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết, các công trình, nhà ở không đảm bảo an toàn để chủ động tổ chức chằng chống trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà cửa, sơ tán, di dời người và tài sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; bố trí lực lượng kiểm soát, kiên quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Sẵn sàng nhân lực, vật tư trang-thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
NGỌC SANG-LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm