Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai siết chặt quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau gần 3 năm triển khai Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT), Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, vận động thu hồi VK, VLN, CCHT và quyết liệt đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan. 
Những kết quả bước đầu
Gia Lai là địa bàn chiến lược trong kháng chiến nên hứng chịu nhiều bom đạn của địch, hậu quả để lại rất nặng nề. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực rà soát, thu gom nhưng lượng bom đạn, VK, VLN ẩn dưới lòng đất, sông suối… còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ phát nổ, gây tai nạn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn sử dụng súng tự chế để săn bắn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Không ít trường hợp mạo hiểm lấy thuốc nổ, phế liệu từ bom mìn sót lại sau chiến tranh dẫn đến tai nạn thương tâm. Theo thống kê, từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn liên quan bom mìn, đầu đạn, làm chết 8 người, bị thương 15 người.
Sau khi Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, Công an tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 9-5-2019 chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, UBND các cấp phối hợp cùng lực lượng Công an đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý VK, VLN, CCHT. Đồng thời, đơn vị liên tục mở các đợt cao điểm tuyên truyền, vận động thu hồi VK, VLN, CCHT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với VK, VLN, CCHT; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, lực lượng Công an đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các ngành chức năng và sự giúp đỡ, đồng hành của người dân.
Lực lượng Công an thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn. Ảnh: P.H.T
Lực lượng Công an thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn. Ảnh: P.H.T
Qua gần 3 năm triển khai Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, Công an tỉnh phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý 558 vụ việc vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT với hàng trăm đối tượng liên quan. Trong đó, điều tra, đề nghị truy tố, xét xử nhiều đối tượng sử dụng súng, mã tấu, kiếm… gây ra các vụ án nghiêm trọng như: cố ý gây thương tích, giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ… Với nhiều mô hình và cách làm hay, lực lượng Công an đã vận động người dân giao nộp 44 khẩu súng quân dụng, 89 khẩu súng săn, 2.974 khẩu súng tự chế, 317 quả lựu đạn, 229 đầu đạn pháo, 2.767 viên đạn các loại, 441 CCHT...
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến VK, VLN, CCHT vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đối tượng, nhóm tội phạm có xu hướng tự mua, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại VK, CCHT để gây án…Hoạt động mua bán linh kiện để tự chế các loại VK, CCHT qua mạng internet và vận chuyển VK từ biên giới về Việt Nam theo các đường tiểu ngạch vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý, phát hiện, ngăn chặn. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa hiểu hết chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hồi VK, VLN, CCHT, do đó không tự giác giao nộp VK cho cơ quan chức năng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dùng VK nóng gây án nghiêm trọng, nhất là khi xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, công tác quản lý tại một số cơ quan, doanh nghiệp chưa chặt chẽ, người đứng đầu buông lỏng, thiếu kiểm tra để xảy ra các vụ việc sử dụng VK, VLN, CCHT sai quy định. Chính vì vậy, công tác vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT, phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng VK, CCHT trái phép đang là nhiệm vụ hết sức cấp thiết của lực lượng Công an nói riêng và các cấp, các ngành nói chung.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Hiện nay, Công an tỉnh đang triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT đến hết năm 2020. Lực lượng Công an đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT cũng như những tác hại của việc tàng trữ, mua bán VK trái phép đến từng thôn, làng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục phối hợp lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng bám nắm địa bàn, phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân vừa tự giác giao nộp, vừa tích cực tham gia trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thu hồi triệt để số VK, VLN, CCHT trôi nổi, không để tội phạm lợi dụng sử dụng gây án và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, nhất là tai nạn do bom mìn, VLN còn sót lại sau chiến tranh; kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT cả trên không gian mạng và ngoài xã hội. Tại UBND cấp xã, cơ quan Công an, Quân sự các cấp công khai địa điểm, thời gian và bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận tin báo; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy VK, VLN, CCHT do cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp...
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT, bên cạnh nỗ lực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự giúp đỡ, ủng hộ của người dân. Các ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh cần quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả tuyên truyền các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh công tác này, góp phần phát hiện, ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sai phạm, không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, quản lý cán bộ, nhân viên; chủ động thông tin, phối hợp với lực lượng Công an trong vận động, thu hồi và đấu tranh ngăn chặn vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT; nhân rộng những mô hình, cách làm hay tại cơ sở trong vận động, thu hồi, phòng ngừa tai nạn thương tích liên quan bom mìn, VLN còn sót lại sau chiến tranh. Đồng thời, mỗi người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; không tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tự chế, sử dụng trái phép các loại VK (các loại súng quân dụng, súng tự chế, súng hơi cồn…), VK thô sơ (kiếm, mã tấu, gậy 3 khúc…), CCHT (súng bắn đạn cao su, đạn hơi cay, roi điện, bình xịt hơi cay…), thuốc nổ, bom, mìn, lựu đạn…; tự giác giao nộp các loại VK, VLN, CCHT đang cất giữ không đúng quy định, nhất là súng tự chế để săn bắn, súng bắn đạn cao su, đạn hơi cay, chích điện, gậy điện, roi điện, bình xịt hơi cay… Đối với các loại vũ khí thô sơ là đồ gia bảo, kỷ vật, đồ quý hiếm, đề nghị người dân đến cơ quan Công an gần nhất khai báo thông tin để được cấp phép lưu giữ.
Ngoài ra, người dân cần tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội, cung cấp thông tin, tài liệu đối tượng nghi vấn, có hành vi sản xuất, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép VK, VLN, CCHT. Khi phát hiện các tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan, các loại bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, người dân cần kịp thời thông tin cho cơ quan Công an gần nhất hoặc qua Tổng đài 113 để được hỗ trợ. Mọi thông tin của người cung cấp sẽ được bảo đảm an toàn, bí mật tuyệt đối.
Thượng tá PHẠM HỮU TRƯỜNG-Phó Giám đốc Công an tỉnh

Có thể bạn quan tâm