Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Đại đoàn kết buôn Rưng Ma Nin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), tối 4-11, tại buôn Rưng Ma Nin (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai) đã diễn ra “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đến dự và chung vui với bà con dân làng có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Thị Giang cùng đại diện lãnh đạo thị xã Ayun Pa.

 

Buôn Rưng Ma Nin (xã Ia Rbol) có 188 hộ, 850 người dân, 100% là người dân tộc Jrai. Nhân dân trong buôn thu nhập chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Cuối năm 2019, buôn còn 5 hộ nghèo.

Nới rộng vòng xoang Đại đoàn kết buôn Rưng Ma Nin. Ảnh: Đ.P



Tại ngày hội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai- Đinh Thị Giang- bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào trước truyền thống đoàn kết và sự phát triển của bà con dân làng. Buôn Rưng Ma Nin đã xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhiều năm liên tục đạt chuẩn văn hóa khu dân cư và nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Thôn đã cùng với cả xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mong muốn chính quyền địa phương và nhân dân tiếp tục đoàn kết thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Từng bước thay đổi nếp, nghĩ cách làm hướng đến giảm nghèo bền vững”. Dân làng cùng toàn xã tiếp tục nâng chuẩn nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa, môi trường sống an toàn, xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư, bài trừ các hủ tục, tránh xa các tệ nạn xã hội...

Bà Đinh Thị Giang trao tặng phần quà của tỉnh cho nhân dân thôn Rưng Ma Nin. Ảnh: Đ.P



Tại ngày hội, chính quyền xã đã trao tặng 3 giấy khen cho các gia đình văn hóa tiêu biểu và có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tổ chức cho thôn trưởng, Ban công tác Mặt trận thôn và Ban Thường trực MTTQ xã ký kết giao ước thi đua xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa năm 2020.

Kết thúc ngày hội, cán bộ và dân làng hào hứng liên hoan chung vui bữa cơm thân mật thắm tình đoàn kết, trong  tiếng cồng chiêng rộn ràng, vòng xoang rộng mở thắt chặt hơn nữa tình làng, nghĩa xóm, chung sức xây dựng quê hương, buôn làng.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm