Gia Lai: Sốt xuất huyết lây lan trên diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, nhưng suốt 3 tháng qua, số bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân là do lãnh đạo các địa phương không mấy quan tâm đến việc phòng-chống dịch, còn người dân lại quá ít thông tin về cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 1.197 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Prông và Ia Grai. Riêng TP. Pleiku chỉ trong hai tháng (6 và 7) đã ghi nhận đến 784 trường hợp mắc sốt nhập viện, trong đó có 1 ca tử vong. Các phường có số ca mắc sốt nhiều như: Ia Kring 185 ca, Tây Sơn 103 ca, Yên Đổ 93 ca…
Trong thời gian qua, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã phối hợp cùng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên điều tra côn trùng trước và sau khi xử lý hóa chất. Kết quả thu được: Chỉ số mật độ muỗi: 0,64% chỉ số nhà có muỗi là 37,77%, chỉ số nhà có bọ gậy trung bình 40%; tỷ lệ dụng cụ có bọ gậy 23,01% và nhiều ca có kết quả dương tính ngay khi đoàn tiến hành kiểm tra nhanh.
TTYT TP. Pleiku quá tải với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong gần 3 tháng qua. Ảnh: N.G
TTYT TP. Pleiku quá tải với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong gần 3 tháng qua. Ảnh: N.G
Theo bác sĩ Nguyễn Tự Tín- Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku: Với các yếu tố dịch tễ như trên cho thấy nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, kéo dài và lây lan trên diện rộng trong thời gian đến là khó tránh khỏi. Do vậy, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các xã, phường nơi có nhiều bệnh nhân mắc sốt triển khai các biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch bệnh một cách hiệu quả trong thời gian sớm nhất. Cũng theo bác sĩ Tín, một trong những nguyên nhân làm cho dịch sốt trên địa bàn chưa thể kiểm soát là chính quyền tại một số xã, phường trên địa bàn vẫn chưa có sự phối-kết hợp đồng bộ với ngành Y tế trong việc tuyên truyền các biện pháp phòng dịch đến tận các hộ dân. Chính vì vậy trong đợt phun thuốc diệt muỗi suốt 12 ngày đêm trong tháng 7 vừa qua đã không phát huy hiệu quả vì đa phần người dân đóng kín cửa khi có xe phun thuốc chạy qua.
Tại cuộc họp mới đây về việc bàn biện pháp dập dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Pleiku, ông Nguyễn Thành Huế- Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Dịch bệnh không thể kiểm soát đến thời điểm này là do lãnh đạo tại các xã, phường quá chủ quan trong việc theo dõi tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn để từ đó sớm có thông báo và bàn biện pháp dập dịch. Ông Huế cho biết: Ngay từ cuộc họp lần thứ nhất về việc triển khai biện pháp phòng dịch diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua, trong khi ngành Y tế và cả Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đến để hỗ trợ và chuẩn bị rất kỹ lưỡng các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy kết hợp với việc phun thuốc trên diện rộng để đẩy lùi dịch bệnh, thì lãnh đạo tại các xã, phường lại không tổ chức quán triệt cách phòng dịch và cho đây là dịch bệnh hết sức bình thường là một trong những nguyên nhân chính làm cho dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát.
Do vậy, tại cuộc họp triển khai bàn cách đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Pleiku vừa qua, lãnh đạo thành phố kiên quyết chỉ đạo các địa phương bám sát kế hoạch phun thuốc đợt II của ngành Y tế để sớm triển khai công tác tuyên truyền diệt loăng quăng, bọ gậy đến từng hộ dân tại các tổ dân phố.
Tuy nhiên, đến sáng 8-8 tức trước 1 ngày diễn ra việc phun thuốc trên diện rộng đợt II liên tục trong 13 ngày đêm. Qua quan sát của chúng tôi tại một số xã, phường tại TP. Pleiku, đặc biệt là các tuyến đường Quyết Tiến, Nguyễn An Ninh, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Đường… thuộc phường Ia Kring nơi có nhiều hố chứa nước mưa, bụi cây dại thuận lợi cho việc muỗi đẻ trứng và cũng là địa phương có nhiều bệnh nhân mắc sốt nhập viện trong thời gian qua nhưng vẫn chưa thấy các lực lượng xung kích và thanh niên tình nguyện triển khai các biện pháp.
Nước ứ đọng- môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản. Ảnh: N.G
Nước ứ đọng- môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản. Ảnh: N.G
Bà Nguyễn Thị Mười sinh sống tại tổ 6 đường Tuệ Tĩnh cho biết: Vẫn chưa thấy tổ dân phố nói gì đến việc phòng-chống dịch sốt xuất huyết dù trước đó trong gia đình đã có người nằm viện vì căn bệnh này gần cả chục ngày. Với vấn đề trên chị Bạch Thị Mai Uyên, cư dân tổ 5 đường Quyết Tiến, có con đang điều trị sốt xuất huyết cho biết: “Nhiều nhà trong xóm chúng tôi đã có người mắc sốt nhưng vẫn chưa thấy ai hướng dẫn cách phòng dịch ngoài lời của các bác sĩ tại bệnh viện thành phố vào những ngày qua”.
Là đơn vị theo dõi xuyên suốt tình hình diễn ra dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh cũng như tại TP. Pleiku trong những tháng qua, ông Phan Công Tiến- Trưởng khoa Côn trùng- Kiểm dịch (Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên) cho rằng: Chủng virut sốt xuất huyết đang lưu hành tại TP. Pleiku thuộc chủng rất mạnh và sẽ rất khó diệt nếu không triển khai đồng bộ… Do vậy, trong đợt phun thuốc trên diện rộng tại TP. Pleiku diễn ra từ ngày 9 đến 21-8 tại 13/23 xã, phường sắp đến, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên sẽ phối hợp cùng với Trung tâm Y tế thành phố đảm nhận công tác tuyên truyền dập dịch tại phường Ia Kring (địa phương có số ca sốt xuất huyết nhập viện nhiều nhất) cho đến khi dịch bệnh hoàn toàn được khống chế.
Để dịch bệnh sớm nằm trong tầm kiểm soát và tiến đến dập tắt nguồn truyền bệnh nguy hiểm này, trong thời gian đến ngoài việc tích cực triển khai các biện pháp của ngành Y tế thì vấn đề các địa phương chủ động phối hợp việc loại bỏ loăng quăng, bọ gậy tại các chum, lọ trong nhà và các vũng nước ứ đọng tại các thôn xóm là việc làm cần được các cấp quan tâm theo dõi chỉ đạo.
Nguyễn Giác
Muỗi vằn (có màu đen, thân và chân có những đốm trắng). Muỗi thường đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các vật dụng. Loài muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao tù, vũng nước đọng hoặc các dụng cụ chứa nước ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng), loại bỏ nơi sinh sản của muỗi kết hợp với việc tiến hành phun thuốc trên diện rộng khi có dịch xảy ra.
Nguồn: Bộ Y tế

Có thể bạn quan tâm