(GLO)- Đó là chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tại Kế hoạch số 677/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 418/QĐ-TTg.
Quan tâm phục vụ nhu cầu đi lại nguời dân nơi có bến đò dân sinh tự phát. Ảnh: Thanh Nhật |
Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đầu tư xây dựng các bến đò, cầu, đường dân sinh đảm bảo nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn của người dân; đầu tư xây dựng cầu đường dân sinh khắc phục tình trạng chia cắt giao thông tại các khu vực vùng sâu, vùng xa dẫn đến phát sinh bến đò ngang và các hoạt động giao thông đường thuỷ tự phát. 100% phương tiện thuỷ nội địa được đăng kiểm, đăng ký theo quy định. 100% phương tiện thuỷ chở khách ngang sông đựơc trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách theo quy định. 100% thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa được đào tạo huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn. 100% người tham gia giao thông đường thuỷ nội địa, chủ bến thuỷ nội địa, chủ phương tiện, người lái phương tiện và người dân sinh sống dọc các tuyến đường thuỷ nội địa được tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông thuỷ nội địa...
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch trên. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum và Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam nghiên cứu, khảo sát luồng tuyến, đề xuất công bố tuyến đường thuỷ nội địa nối hai tỉnh Gia Lai (huyện Ia Grai) với tỉnh Kon Tum (huyện Ia H’Dai), bổ sung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa và đầu tư xây dựng bến thuỷ nội địa theo quy định. Tổ chức thực hiện đăng ký quản lý và hướng dẫn cơ quan quản lý giao thông cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện đăng ký phương tiện thuỷ nội địa theo quy định. Chú trọng đào tạo huấn luyện cấp chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện gắn với tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa. Sở Nông nghiệp và PTNT thưòng xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ thuỷ lợi thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa, cảnh báo các nguy cơ tai nạn đối với phương tiện thuỷ và đuối nước. Đầu tư xây dựng cầu, bến đò, đường dân sinh đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để phục vụ cho nhu cầu đi lại của nguời dân nhất là tại vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, nơi có bến đò dân sinh tự phát. Thực hiện đăng ký, quản lý và hướng dẫn cơ quan quản lý giao thông cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện đăng ký phương tiện thuỷ nội địa theo quy định. Tăng cưòng quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông, các khu du lịch có hoạt động giao thông đường thuỷ trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa...
Thanh Nhật