(GLO)- Sáng nay (6-9), tại Hội trường 2-9 (TP.Pleiku), Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng-chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị còn có đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ và Trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
|
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc |
Tại hội nghị, Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh đã trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sau khi có Chỉ thị và chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 95-KL/TW ngày 2-4-2014, Tinh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai đến các Đảng bộ trực thuộc, các ngành, đoàn thể của tỉnh, cấp uỷ, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó, các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị 21 về củng cố, kiện toàn bộ máy, lực lượng phòng-chống ma túy; tuyên truyền, giáo dục phòng-chống ma túy và xã hội hoá công tác phòng-chống ma túy; đấu tranh chống tội phạm ma túy; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, tổ chức phòng-chống ma túy ở xã, phường, thị trấn; xoá bỏ cây trồng có chất gây nghiện; tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế phòng-chống ma túy...
Tính đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có 916 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 675 đối tượng tại cộng đồng với 489 người nghiện; 79 đối tượng trong các nhà tạm giữ của Công an các huyện, thị xã, thành phố; 46 đối tượng trong Trại tạm giam của Công an tỉnh; 116 đối tượng tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Trong số này, tỷ lệ nữ chiếm 7,2% với 66 đối tượng; độ tuổi thanh niên chiếm 64,85% với 594 đối tượng; người dân tộc thiểu số chiếm 4,26% với 39 đối tượng.
Tuy chưa phải là điểm nóng về ma túy, số người nghiện không nhiều, số vụ mua bán hầu hết nhỏ lẻ nhưng người nghiện, địa bàn và các vụ phạm tội về ma túy có chiều hướng gia tăng. So với năm 2007, tăng 67 xã, phường, thị trấn có ma túy; tăng 628 đối tượng liên quan ma túy; số vụ phạm tội về ma túy phát hiện trung bình mỗi năm tăng 10-30%. Các địa bàn phức tạp về ma túy nổi lên hiện nay là TP. Pleiku, huyện Chư Sê, Chư Pah, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa, Đức Cơ, Ia Grai... Hiệu quả cai nghiện thấp, tỷ lệ tái nghiện cao với trên 90%, quá trình cai nghiện chủ yếu thực hiện cắt cơn đơn thuần, chưa chú trọng đến các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, quan tâm, bám sát cơ sở để kịp thời nắm bắt tình hình về tệ nạn ma túy, phấn đấu giảm đối tượng, giảm địa phương có liên quan đến ma túy. Đồng thời, cần tổ chức tuyên truyền hiệu quả, trực quan hơn, các lực lượng cần quyết liệt hơn trong xử lý các hành vi phạm tội về ma túy, đảm bảo công sở và trường học không có ma túy, đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở tư vấn cai nghiện. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cần phát huy vai trò nòng cốt, thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy, kiểm tra các khu vực dễ phát sinh loại tội phạm này…
Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh: “Tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự tha hoá, xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận giới trẻ cùng sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình dẫn đến nhiều thanh niên lêu lổng, bị lôi kéo vào vòng xoáy ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp, hàng đá... Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa sâu rộng đến cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc; vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong công tác phòng-chống ma túy nhiều nơi chưa phát huy đầy đủ, thiếu sự phối hợp. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý ngại va chạm, xa lánh với người nghiện khiến họ mặc cảm không khai báo tình trạng nghiện và tự cai nghiện”. |
Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế: “Hiện nay, giải pháp sử dụng Methadone để điều trị các chất dạng thuốc phiện mang lại nhiều hiệu quả về y tế, an toàn trật tự xã hội, về kinh tế... Tuy nhiên, công tác tuyên truyền để vận động người nghiện ma túy tham gia điều trị bằng Methadone chưa được quan tâm đúng mức”.
|
Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Hiện nay, cơ sở điều trị và cắt cơn nghiện tại cộng đồng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác cảm hóa người sau cai nghiện trở về địa phương còn hình thức, thiếu sự quan tâm của toàn xã hội, chưa quan tâm giúp đỡ, tạo việc làm cho người tái hoà nhập cộng đồng nên tỷ lệ tái nghiện cao”. |
Đại tá Vũ Trung Kiên-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: “Tội phạm ma túy là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi và manh động nên công tác xác minh, đấu tranh còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí, trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ đấu tranh phòng-chống tội phạm ma túy của lực lượng chuyên trách còn hạn chế...”. |
Lê Văn Ngọc