Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tăng cường phòng-chống cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện tại, các địa phương trong tỉnh Gia Lai, nhất là khu vực các huyện, thành phố phía Tây đang bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Cơ quan chuyên môn, các địa phương và chủ rừng đang triển khai quyết liệt biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Diễn tập phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Đức Thụy
Diễn tập phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Đức Thụy

Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn của khu vực Tây Nguyên, trong đó rừng tự nhiên 555.718 ha, rừng trồng 71.295 ha. Những năm qua, công tác PCCCR luôn được các cấp, ngành quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế xảy ra cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 2 năm trở lại đây, các địa phương và chủ rừng đã khống chế, ngăn chặn kịp thời không để xảy ra cháy rừng lớn. Đặc biệt, trong mùa khô 2015-2016, trước diễn biến thời tiết rất khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các địa phương và chủ rừng tổ chức tuyên truyền, ký cam kết an toàn lửa rừng với 26.940 hộ gia đình sinh sống gần rừng; phát 40.500 tờ rơi về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; lắp đặt 8.353 panô tuyên truyền, cấp phát 131 bàn dập lửa cho các xã thực hiện công tác PCCCR. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã thành lập các đội PCCCR cơ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng... Nhờ đó, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại đến tài nguyên.

Ông Nguyễn Đức-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết: Công tác PCCCR luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Từ đầu mùa khô 2017 đến nay, Ban đã phân công lực lượng túc trực 24/24 giờ ở những vùng trọng điểm cháy; xây dựng các phương án phối hợp với chính quyền cấp xã, thôn, làng sinh sống gần rừng để bảo vệ rừng; phương án PCCCR và khả năng huy động các lực lượng tham gia chữa cháy. Song song với những giải pháp này, đơn vị chủ động phát đốt có điều khiển tại các vùng trọng điểm cháy như: đồi Hàm Rồng, xã Ia Kênh (TP. Pleiku), các xã Nghĩa Hưng, Chư Jôr, Chư Đăng Ya, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah); tổ chức làm đường ranh cản lửa tại tiểu khu 229 xã Hòa Phú nhằm làm giảm vật liệu cháy trong mùa khô. Hiện tại, đơn vị đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân sống gần rừng sử dụng lửa an toàn; hướng dẫn kỹ thuật phòng-chống cháy rừng… cho người dân.

Nhằm chủ động PCCCR trong mùa khô 2017, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt như Chỉ thị số 24/CT-UBND và Công điện số 01/CĐ-UBND về các biện pháp PCCCR để các cấp, ngành, địa phương và chủ rừng thực hiện, không để xảy ra cháy rừng.

Ông Nguyễn Duy Lân-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện Chi cục đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) kiểm tra công tác PCCCR ở các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức diễn tập PCCCR cho các đơn vị. Năm nay có thuận lợi là mưa muộn và kéo dài đã làm giảm nguy cơ xảy ra cháy rừng. Các đơn vị đang tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ ở các vùng trọng điểm cháy, theo dõi và cập nhật thông tin cảnh báo về nguy cơ cháy rừng của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) để cung cấp kịp thời cấp dự báo về cháy rừng cho các địa phương chủ động phòng-chống cháy rừng một cách hiệu quả.

Dù vậy, công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Diện tích nương rẫy của người dân phần lớn đan xen trong rừng nên rất khó kiểm soát người ra vào rừng trong mùa khô chăn thả gia súc, lấy đót, tìm kiếm phế liệu… Đặc biệt, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn tỉnh còn nhiều với khoảng 225.216 ha, trong khi các hạng mục PCCCR mới chỉ đầu tư thực hiện tại 180 trọng điểm cháy với diện tích khoảng 110.000 ha.

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô. Việc chủ động các biện pháp PCCCR đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhằm bảo vệ tài nguyên.   

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm