Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tăng cường quản lý gỗ nhập khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình khan hiếm gỗ phục vụ sản xuất và xuất khẩu, trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đăng ký tạm nhập gỗ từ Campuchia qua khu vực cửa khẩu tại các huyện giáp biên với số lượng lớn. Riêng tại khu vực 2 huyện Đức Cơ và Chư Prông, trong năm 2015 có trên 50.000 m3 (nhóm 1- 8) được lập thủ tục thông quan.

Xe chở gỗ nhập khẩu tuyến Cửa khẩu Đức Cơ. Ảnh: N.G
Xe chở gỗ nhập khẩu tuyến Cửa khẩu Đức Cơ. Ảnh: N.G

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi trong công tác vận chuyển gỗ nhập khẩu, tạo hành lang thông thoáng thông quan, các lực lượng chức năng trên địa bàn biên giới thường xuyên tăng cường giám sát chặt chẽ toàn bộ khu vực biên giới đề phòng lợi dụng khai thác gỗ nội địa trà trộn gỗ nhập khẩu vận chuyển đi tiêu thụ.

Ông Trương Văn Thắng-Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết: Trong năm 2015, trên địa bàn huyện có 3 cửa khẩu phụ, lối mở được phép nhập khẩu thuộc địa bàn 2 xã Ia Púch và Ia Mơr. Qua kiểm kê, trong năm đã có trên 42.000 m3 gỗ của 12 doanh nghiệp được thông quan, trong đó có gần 39.000 m3 gỗ được vận chuyển. Với khối lượng gỗ nhập khẩu qua địa bàn khá lớn đã tạo sức ép không nhỏ cho lực lượng tại chỗ trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại khu vực biên giới.

Cùng nhiệm vụ trên, dù tình hình khai thác, vận chuyển gỗ lậu đã giảm nhiều, nhưng qua phối hợp kiểm tra, các chốt đã phát hiện, bắt giữ 35 vụ vi phạm lâm luật, tạm giữ trên 102 m3 gỗ tròn, xẻ (nhóm 2-6) cùng nhiều tang vật là cưa máy, xe ô tô, xe công nông... hiện đã xử lý 32 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 459 triệu đồng.

 

Gỗ nhập khẩu tập kết tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: N.G
Gỗ nhập khẩu tập kết tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: N.G

Tại huyện Đức Cơ, năm 2015 dù được đánh giá có giảm nhiều so với năm trước, nhưng các vụ vi phạm đến mức khởi tố vẫn xảy ra. Trong số 13 vụ phá rừng trái pháp luật được phát hiện, diện tích rừng bị chặt phá lên đến 10 ha, có 8/13 vụ xử lý hình sự. Ngoài ra, trong công tác quản lý bảo vệ rừng, lực lượng chức năng đã phát hiện 45 vụ vi phạm (giảm 59 vụ so với năm 2014), số lâm sản tịch thu trên 83 m3 (nhóm 1-8), thu nộp ngân sách nhà nước 624 triệu đồng.
 
Trong năm qua, trên địa bàn huyện Đức Cơ, cơ quan chức năng đã xác minh, thông quan khoảng 7.000 m3 gỗ (nhóm 1-8) nhiều khối gỗ đã được doanh nghiệp vận chuyển, xuất bán theo đơn hàng hợp đồng. Tình hình nhập khẩu trên địa bàn huyện được lực lượng chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ dù vẫn còn nhiều đối tượng lợi dụng vận chuyển gỗ trái phép bị phát hiện.

Song song nhiệm vụ trên, ngay đầu năm 2016, lực lượng chức năng tại các huyện biên giới của tỉnh đã lập kế hoạch, tập trung phổ biến pháp luật đến từng hộ dân; tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng; triển khai hiệu quả việc phối hợp các lực lượng đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm