Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tập trung giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2019

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 1-10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XV đã khai mạc Hội nghị lần thứ 19 (mở rộng) để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và đề ra nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019; cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), đồng thời giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền.
Các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng qua và đề ra nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019. Liên quan đến nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đại biểu dự hội nghị căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh, ngành, đơn vị, địa phương để phân tích, chỉ rõ những kết quả đạt được; nêu lên những vấn đề mới nảy sinh, những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục cũng như nguyên nhân vì sao một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 9 tháng so với chỉ tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra năm 2019; từ đó đề xuất các giải pháp để tập trung chỉ đạo quyết liệt trong 3 tháng cuối năm.
Nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ
Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho biết: Trong 9 tháng qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2019 mà Nghị quyết đã đề ra. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng đạt 96% kế hoạch; toàn tỉnh có 10/17 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chuyển đổi hơn 631 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện; đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Pleiku và thị xã An Khê hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang gợi ý thảo luận tại hội nghị. Ảnh: ĐỨC THỤY
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang gợi ý thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.013 tỷ đồng, tăng 8,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 49.522 tỷ đồng, tăng 15,56%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 363,2 triệu USD, tăng 3,77%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 17.789 tỷ đồng, tăng 11,4%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.387 tỷ đồng, tăng 1,37%. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có nhiều chuyển biến. Trong 9 tháng có 610 doanh nghiệp và 285 chi nhánh thành lập mới (tăng 16,6%) với tổng vốn đăng ký 3.865 tỷ đồng (tăng 22,3%).
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, phát triển; chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được đảm bảo; các vấn đề bức xúc xã hội được tập trung xử lý; công tác đối ngoại được tăng cường; đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá, tăng cường đầu tư để phát triển du lịch. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Song song với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng được chú trọng. Các cấp ủy đã triển khai nhiều giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên; thực hiện tốt công tác tạo nguồn phát triển đảng viên gắn với xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy. Theo đó, 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh kết nạp được 1.305 đảng viên, trong đó có 471 đảng viên người dân tộc thiểu số. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được tiến hành dân chủ, khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình. Kế hoạch tinh giản biên chế, sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp, bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quy định của Trung ương và nghị quyết của HĐND tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả…
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh bày tỏ sự phấn khởi trước các kết quả đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thời gian qua. Gợi ý thảo luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng: Mặc dù 9 tháng qua, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh có tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng trên thực tế vẫn còn đạt thấp so với nghị quyết đề ra. Chẳng hạn, công tác triển khai trồng rừng chỉ mới đạt 37,5% kế hoạch, tương ứng với 1.882 ha; tổng vốn đầu tư toàn xã hội mới bằng 68,42% chỉ tiêu nghị quyết; tổng thu ngân sách chỉ mới đạt hơn 69% nghị quyết; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh còn thiếu 11 xã nữa mới đạt kế hoạch… Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy băn khoăn, liệu trong 3 tháng còn lại, tỉnh có thể hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu này hay không và giải pháp thực hiện như thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên ngoài hội trường. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên ngoài hội trường. Ảnh: Đức Thụy
Giải trình các nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của mình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh thông tin: Đến nay, tiến độ trồng rừng của các địa phương phía Tây tỉnh đã đạt 85%; riêng các địa phương phía Đông vì nắng hạn kéo dài nên chỉ có huyện Kbang cùng một số công ty lâm nghiệp ở huyện Kông Chro đạt và vượt tiến độ. Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh đã trồng được 2.892 ha rừng, đạt 57,8%. Nếu từ nay đến cuối năm lượng mưa khá hơn thì việc trồng rừng sẽ kết thúc vào đầu tháng 11. Về xây dựng nông thôn mới, năm 2019 có 12 xã đăng ký đạt chuẩn. Các xã này cũng không nằm ngoài khó khăn chung về các tiêu chí: hộ nghèo, thu nhập, môi trường… và đang nỗ lực triển khai, phấn đấu đạt chuẩn để nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 70 xã vào cuối năm.
Công tác thu ngân sách cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Bởi lẽ, tính đến cuối tháng 9, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 3.387 tỷ đồng, trong khi mục tiêu của tỉnh đề ra trong năm 2019 là hơn 4.900 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đoàn Khánh Vân cho biết: “Ngay từ đầu năm, ngành Thuế tỉnh đã tiến hành rà soát và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác tối đa nguồn thu phát sinh trên địa bàn. Dẫu vậy, trước tình hình khó khăn chung, số thu ngân sách của tỉnh chưa đạt tiến độ đề ra. Trong 3 tháng còn lại, ngành Thuế sẽ đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn, đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan chức năng địa phương, cơ quan Thuế các cấp đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế có hiệu quả”. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cũng chỉ ra một số nguồn thu có khả năng tăng thu cho ngân sách trong quý IV-2019 như: từ nợ đọng thuế, từ các công ty thủy điện “phục hồi” hoạt động sản xuất kinh doanh, các khoản thuế đất, các dự án lớn đang triển khai… Dự ước tổng số thu trong quý IV sẽ đạt trên 1.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Dũng lại cho rằng, nguồn thu ngân sách từ thuế sử dụng đất là thiếu bền vững, không phản ánh được mức độ tăng trưởng kinh tế thực chất của tỉnh. Trong khi đó, thời gian qua, việc quản lý thuế ở khu vực công-thương nghiệp ngoài quốc doanh hay ở lĩnh vực tài nguyên khoáng sản… chưa thật sự chặt chẽ dẫn đến thất thu, thất thoát khá nhiều ngân sách nhà nước. Mặt khác, trong 9 tháng, có 4/17 huyện, thị xã, thành phố thu ngân sách không đạt tiến độ cũng đã làm ảnh hưởng đến số thu chung toàn tỉnh. Vì thế, ngành Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan sẽ sớm làm việc với các địa phương này để nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho tỉnh.
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐỨC THỤY
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Trong ngày làm việc đầu tiên, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã quán triệt đến toàn thể hội nghị 2 văn bản quan trọng của Trung ương gồm: Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5-9-2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Liên quan đến việc thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp, Bí thư Huyện ủy Kông Chro Trần Cao Nguyên lý giải: “Năm 2019, huyện được tỉnh giao thu ngân sách 27 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi đã thu được 16 tỷ đồng, đạt gần 60% và tăng so với cùng kỳ năm 2018. Dù vậy, tiến độ chưa đảm bảo kế hoạch đề ra và có khả năng cuối năm không đạt nếu không có sự tháo gỡ kịp thời từ các sở, ngành. Nguyên nhân là do đến thời điểm này, 7 doanh nghiệp thực hiện việc khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện vẫn chưa được cấp giấy phép như kế hoạch từ đầu năm, gây thất thu cho huyện 5,9 tỷ đồng”.
Ngoài các vấn đề trên, hội nghị cũng tập trung thảo luận một số nội dung như: khó khăn trong sản xuất nông nghiệp (hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi); công tác quản lý, bảo vệ rừng còn lỏng lẻo; một số công trình thủy lợi chưa phát huy hiệu quả khai thác; bất cập trong thực hiện sáp nhập các thôn, làng, tổ dân phố; tình hình an ninh trật tự, an ninh nông thôn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Ngày 2-10, hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về chủ đề, phương châm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm