(GLO)- Sau khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại các xã Chư Don, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), các ngành chuyên môn của tỉnh và huyện đang nỗ lực khống chế các ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng. Tại các địa phương giáp ranh với huyện Chư Pưh, chính quyền và ngành chức năng cũng đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.
Chư Pưh quyết liệt phòng-chống dịch
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi huyện Chư Pưh, đến ngày 1-6, toàn huyện đã có 638 con heo của 117 hộ chăn nuôi tại các xã Chư Don, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa bị chết và tiêu hủy. Tại thôn Hòa Lộc (xã Ia Phang) cũng đã xuất hiện heo chết nhưng xét nghiệm thì cho kết quả âm tính với vi rút dịch tả heo châu Phi. Hiện nay, một số heo chết ở thôn Hòa Lộc đang được lấy mẫu xét nghiệm. Ủy ban nhân dân huyện Chư Pưh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi tình hình dịch bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi khu vực chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn.
Bà Lê Thị Thu Vân (thôn Hòa Lộc) cho biết: Vừa rồi, đàn heo thịt 10 con nuôi được 4 tháng của gia đình tôi chuẩn bị xuất chuồng thì bất ngờ có 1 con bị chết. Khi biết thông tin, các cơ quan chức năng của xã, huyện đã xuống kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn gia đình thực hiện các biện pháp cấp bách như tiêu độc khử trùng, rắc vôi… Còn ông Lê Việt Toàn-Trưởng thôn Hòa Lộc-cho hay: Ngay khi trên địa bàn thôn xuất hiện heo chết, các cơ quan chức năng đã thành lập chốt chặn tạm thời đường ra vào thôn nhằm hạn chế không để dịch lây lan; đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng-chống dịch hiệu quả. Hiện tại, thôn có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo, trong đó có 3 trang trại quy mô 150-500 con nên phải kiểm soát chặt chẽ.
Tiêu độc khử trùng phương tiện lưu thông trên quốc lộ 14. Ảnh: N.D |
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn, huyện Chư Pưh đã huy động tất cả các lực lượng cùng tham gia phòng-chống dịch. Theo đó, lãnh đạo các phòng, ban và thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi của huyện hàng ngày xuống cơ sở tham gia hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng-chống dịch. Đặc biệt, Công an huyện và Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã cử lực lượng xuống các xã, thị trấn tham gia phòng-chống dịch cùng địa phương.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi huyện Chư Pưh-cho biết: Các cấp, ngành của huyện đang tập trung mọi nguồn lực để khống chế các ổ dịch, hạn chế lây lan trên diện rộng nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Theo đó, huyện chỉ đạo tập trung phun tiêu độc khử trùng, rải vôi trong vùng dịch và các vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; kiểm soát, khoanh vùng không cho vận chuyển heo từ vùng dịch ra ngoài. Huyện cũng thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, giám sát việc buôn bán heo trong các chợ, vùng đệm, vùng bị dịch uy hiếp. Đặc biệt, huyện giám sát chặt chẽ các lò giết mổ từ lúc đưa heo vào đến lúc đưa sản phẩm thịt ra thị trường tiêu thụ. 7 chốt kiểm dịch tạm thời của huyện và 2 chốt tỉnh thành lập hoạt động liên tục 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và các sản phẩm heo ra vào vùng dịch. Tuy nhiên, quá trình triển khai phòng-chống dịch trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn do nhiều hộ nuôi heo thả rông nên rất khó trong việc phun hóa chất tiêu độc khử trùng tập trung, phải dùng lưới để vây bắt từng con.
Ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm
Sau khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở huyện Chư Pưh, các địa phương giáp ranh như Chư Sê, Chư Prông, Phú Thiện đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn. Tại Chư Sê, ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đã xuất ngân sách 76 triệu đồng để mua 3 tấn vôi và xuất 224 lít hóa chất Benkocid cấp cho các xã phun tiêu độc khử trùng. Đối với các xã giáp ranh với huyện Chư Pưh như Ia Pal, Hbông, Ia Hlốp, Ia Ko, Trung tâm đã cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng-chống dịch. Huyện cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi; xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp dịch tả heo châu Phi trên địa bàn; lập và công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi từ người dân.
Còn tại Chư Prông, theo ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương đã thành lập các chốt tạm thời tại các xã Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Ga, Ia Mơr và Ia Vê để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào địa bàn. Đồng thời, huyện tổ chức tiêu độc khử trùng, rắc vôi tại các xã, thị trấn, thường xuyên kiểm tra để phòng-chống dịch một cách tốt nhất.
Theo đánh giá của ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tại, ngoài 4 ổ dịch tại các xã Chư Don, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh ổ dịch mới. Sau khi đi vào hoạt động, 2 chốt kiểm dịch tạm thời của tỉnh và các chốt tạm của các địa phương đang kiểm soát hiệu quả việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.
NGUYỄN DIỆP