Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tập trung ứng phó với mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 25-10, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 1629/UBND-NL về việc tập trung công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Dự báo, từ ngày 26 đến 28-10, tỉnh Gia Lai sẽ chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 8-11 độ vĩ Bắc nâng trục dần lên phía Bắc nỗi với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão. Thời tiết có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Tổng lượng mưa từ ngày 26 đến 28-10: Các huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, thị xã Ayun Pa và An Khê phổ biến từ 80-150 mm, có nơi lớn hơn 200 mm, các huyện còn lại từ 30-60 mm, có nơi lớn hơn 100 mm. Mưa tập trung từ chiều ngày 26 đến đêm ngày 27-10. Trong cơn giông cần đề phòng xảy ra tố, lốc, sét và gió giật mạnh.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Grai sửa chữa cây cầu ở làng Bek (xã Ia Bă) bị hư hại do mưa lớn. Ảnh: N.D
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Grai sửa chữa cây cầu ở làng Bek (xã Ia Bă) bị hư hại do mưa lớn. Ảnh: Nguyễn Diệp


Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của người dân, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực từng xảy sạt lở đất, ngập lụt năm 2020. Đồng thời bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình; chủ động bố trí kinh phí để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn công trình; đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn đập phải tiến hành sửa chữa ngay, xả nước để giảm dung tích nước trong hồ chứa hoặc không tích nước để đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du đập.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ. Đối với các địa phương có các vị trí ngầm tràn bị ngập lụt bố trí lực lượng túc trực để cảnh báo giao thông, không cho phép lưu thông qua lại khi nước chưa rút hẳn để tránh thiệt hại về người.

 

KIỀU PHAN
 

Có thể bạn quan tâm