Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tập trung xử lý xe vi phạm tải trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ ngày 6-3 đến 4-4, lực lượng Thanh tra Giao thông tỉnh Gia Lai đã phát hiện, xử lý 89 phương tiện vi phạm chở hàng hóa quá tải, quá khổ; lập 167 biên bản phạt vi phạm hành chính đối với 34 tổ chức và 34 cá nhân với tổng tiền phạt trên 2,6 tỷ đồng.

Cùng với cả nước, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai dừng phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt tải trọng xe ô tô. Tuy nhiên, tại Gia Lai tình trạng xe vi phạm tải trọng vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Một tháng xử phạt… trên 2,6 tỷ đồng

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai cho biết: Khi Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Công an thống nhất kết thúc thực hiện quy chế phối hợp về việc kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng của xe ô tô trên phạm vi toàn quốc, lúc này nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Giao thông là tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động để phát hiện, xử lý các xe quá tải trọng trên các tuyến giao thông; lực lượng Thanh tra Giao thông tập trung xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe… để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng trước khi lưu thông trên đường.

 
Nhiều xe chở mì lặc lè vẫn còn xuất hiện nhiều trên đường. Ảnh: M.N
Nhiều xe chở mì lặc lè vẫn còn xuất hiện nhiều trên đường. Ảnh: M.N

Theo ông Quế, thực hiện Thông báo kết luận 13/TB-BCA-V11 của Bộ Công an, từ ngày 6-3, Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh rút lực lượng. Trạm cân lưu động số 55 khi đó cũng tạm dừng hoạt động. Do vậy, khi Cảnh sát Giao thông không còn tham gia, quyết định trên cũng không còn hiệu lực nữa. “Để tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng trạm cân, Sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép hợp đồng thêm 6 nhân viên nghiệp vụ làm nhiệm vụ vận hành cân, việc điều hành xe vào trạm cân sẽ do lực lượng Thanh tra Giao thông đảm nhiệm. Về cơ bản, Sở Nội vụ, Sở Tài chính đã thống nhất đề xuất này, đang trình UBND tỉnh xem xét, quyết định”-ông Quế thông tin.

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai cho biết thêm, từ khi Trạm cân lưu động số 55 dừng hoạt động, lực lượng Thanh tra Giao thông của Sở đã tăng cường việc tổ chức cân lưu động trên các tuyến đường thuộc các huyện Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Kết quả, từ ngày 6-3 đến 4-4, lực lượng Thanh tra Giao thông đã phát hiện, xử lý 89 phương tiện vi phạm chở hàng hóa quá tải, quá khổ; lập 167 biên bản phạt vi phạm hành chính đối với 34 tổ chức và 34 cá nhân với tổng tiền phạt trên 2,6 tỷ đồng.

Đề xuất phương án mới

 

Trạm cân lưu động 55 (xã Song An, thị xã An Khê) dừng hoạt động khi Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh rút lực lượng. Ảnh: M.N
Trạm cân lưu động 55 (xã Song An, thị xã An Khê) dừng hoạt động khi Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh rút lực lượng. Ảnh: M.N
Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai: Hiện tại, Sở Giao thông-Vận tải đã chỉ đạo các phòng chức năng lựa chọn vị trí lắp đặt 2 trạm cân lưu động trên quốc lộ 25 và quốc lộ 19 (đoạn từ Hàm Rồng-TP. Pleiku đến huyện Đức Cơ) để tăng cường xử lý các xe vi phạm tải trọng.

Điều khiến ông Quế lo lắng là: Nếu không có lực lượng Cảnh sát Giao thông thì các chủ phương tiện thường thể hiện sự chống đối với các hình thức như: dừng xe nhưng không chịu xuất trình giấy tờ, không đưa phương tiện vào cân gây ùn tắc cục bộ tại khu vực trạm cân, gây khó khăn cho lực lượng Thanh tra Giao thông làm nhiệm vụ. “Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thay thế quyết định thành lập trạm cân cũ, thay đổi cả quy chế hoạt động. Theo phương án mới, sẽ bố trí lực lượng Cảnh sát Trật tự tham gia giữ gìn trật tự tại khu vực trạm cân, ngăn ngừa hành vi chống đối của các lái xe, chủ phương tiện. Khi đó, trạm cân này sẽ hoạt động trở lại mà không cần đến lực lượng Cảnh sát Giao thông như trước đây”-ông Quế khẳng định.

Trong khi đó, Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh xác nhận: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép rút lực lượng Cảnh sát Giao thông khỏi trạm cân từ ngày 6-3. Bắt đầu từ ngày 8-3, lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) tăng cường công tác xử lý xe quá khổ, quá tải. Đồng thời phối hợp với Ban An toàn Giao thông các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, chủ phương tiện nắm bắt và thực hiện. Theo Đại tá Uấn, sắp tới sẽ tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ký quy chế phối hợp với các trạm thu phí của Công ty cổ phần TNHH BOT 36.71, Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai trên các tuyến quốc lộ 19 và quốc lộ 14 để xử lý các xe chở hàng quá khổ, quá tải. “Chúng tôi sẽ bố trí lực lượng tại các trạm thu phí này, căn cứ vào thông báo tải trọng tự động trên bảng cân điện tử để xử lý, tải trọng bao nhiêu tấn, có vi phạm hay không thì các lái xe không thể cãi được”-Đại tá Phạm Văn Uấn nhận định.

Trao đổi với P.V về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho rằng: Trong quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng của Bộ Giao thông-Vận tải có cho phép sử dụng Trạm thu phí BOT Đức Long đặt tại cầu 110 để tích hợp xử lý xe quá tải. Tuy nhiên, các cân tải trọng tại các trạm này phải được Bộ Giao thông-Vận tải và các đơn vị liên quan kiểm định thì lúc đó mới được dùng làm cơ sở xử lý, vì hiện tại độ chính xác của cân ở trạm thu phí này chưa chuẩn.

 

 Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm