(GLO)- Sáng 18-12, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 với chủ đề “Gia Lai - Tiềm năng - Hợp tác - Phát triển”.
Ảnh: Đ.T |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Hồng Hà-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bùi Văn Cường-Ủy viên Ban chấp Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hà Ban-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Điểu Kré-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế: Tổng lãnh sự, Tham tán kinh tế các nước Nga, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Lào và đại diện lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đak Lak, Phú Yên…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.T |
Về phía lãnh đạo tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh cùng 400 đại biểu đến từ các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đ.T |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Hội nghị lần này là một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhằm góp phần tạo điều kiện cho Gia Lai ngày càng phát triển. Hy vọng rằng, qua Hội nghị này, mọi người sẽ hiểu thêm về vùng đất và con người Gia Lai, về những tiềm năng thế mạnh của tỉnh, những cơ hội hợp tác, đầu tư, để từ đó lựa chọn các dự án đầu tư thích hợp, góp phần đưa Gia Lai, một tỉnh có nhiều tiềm năng nhưng còn lắm khó khăn này ngày càng phát triển. Với sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương; với sự chung tay và nỗ lực của các địa phương trong vùng, của các tỉnh, thành phố; sự đồng hành, hợp tác, góp sức của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, cùng với khát vọng đổi mới, vươn lên của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, tin chắc rằng những kết quả từ Hội nghị này sẽ mang đến cho Gia Lai một một sinh khí mới, một sức mạnh mới, tạo đà cho Gia Lai phát triển đồng hành cùng cả nước”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai vào thành tựu chung của cả nước. Trong 5 năm 2011-2015, tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả khả quan và đã có bước phát triển mới khá toàn diện. Năm 2016, mặc dù do ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, giá một số nông sản xuống thấp nhưng Gia Lai vẫn đạt được mức tăng trưởng khá. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt được những kết quả khích lệ, đã giảm được 2,7% hộ nghèo; thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới cả tỉnh lên 30 xã. Hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng, củng cố; công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đ.T |
Thủ tướng nhấn mạnh: “Gia Lai là một tỉnh có truyền thống anh hùng cách mạng, có nhiều tiềm năng để phát triển song vẫn chưa được đầu tư và khai thác tốt, phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Gia Lai chưa có dự án đầu tư FDI nào lớn vào tỉnh, chưa xây dựng được các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh cao; số lượng doanh nghiệp còn ít và quá nhỏ, tiềm năng du lịch nhiều nhưng chưa có chiến lược khai thác tốt; tăng trưởng và chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, năng lực cạnh tranh còn thấp; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; một số mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; trật tự an toàn xã hội còn nhiều việc phải khắc phục’’.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Đ.T |
Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển bền vững, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, theo Thủ tướng Chính phủ, Gia Lai cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ. Theo đó, Gia Lai cần có sự đột phá trong tư duy phát triển; định vị chính xác vị trí, vai trò, các tiềm năng, lợi thế của mình và đặt trong không gian kinh tế mới đang được tạo ra từ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, từ những cải cách mạnh mẽ trong môi trường đầu tư kinh doanh và quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng. Gia Lai cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tổng thể, với tầm nhìn dài hạn có tính đột phá, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh cũng như đặc thù riêng của tỉnh. Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển nông-lâm nghiệp, phải xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn với những sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh gắn với phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông-lâm-súc, như chế biến các sản phẩm cao su dân dụng và công nghiệp chất lượng cao.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh bạn và đại biểu tại hội nghị đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Gia Lai trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 5.700 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các nhà đầu tư đã ký bản ghi nhớ cam kết hợp tác đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 15.320 tỷ đồng. |
Song song với đó, Gia Lai cần có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở liên kết vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung; tích cực hội nhập quốc tế, có giải pháp và kế hoạch triển khai phù hợp để phát huy có hiệu quả Chương trình hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Du lịch Gia Lai cần phát triển gắn với mô hình trải nghiệm, tương tác với không gian văn hóa vật thể-phi vật thể, du lịch khám phá-mạo hiểm gắn với sông núi Tây Nguyên. Gia Lai phải trở thành hình mẫu trong sự hòa hợp-đoàn kết giữa các dân tộc. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, giá trị con người mang tính quyết định…
Ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh: Đ.T |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với địa phương khẩn trương lựa chọn, đề xuất một số dự án đầu tư trọng điểm có tính lan tỏa vào các lĩnh vực nông lâm nghiệp, du lịch và đề xuất các cơ chế ưu đãi đặc biệt cho Gia Lai để tỉnh tập trung đầu tư và thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn vốn khác nhau. Đây cũng là một bước đi phù hợp, thực tiễn để tạo tiền đề cho Gia Lai tăng tốc phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Nhiệm vụ đặt ra với tỉnh Gia Lai trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Cùng với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, Chính phủ sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp để Gia Lai huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi hy vọng sau hội nghị này, Gia Lai sẽ là nơi lý tưởng để các nhà đầu tư quan tâm và quyết định đến để đầu tư phát triển kinh tế, dịch vụ, khai thác du lịch, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, góp phần đưa Gia Lai phát triển thành một vùng động lực của khu vực Bắc Tây Nguyên”.
Minh Dung