Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 24-5, tại Hội trường 2-9, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Đồng chủ trì hội nghị là các đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Hoàng-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo-Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương; đại diện một số cơ quan, bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các sở, ban ngành, cùng 20 Hợp tác xã (HTX) điển hình trên địa bàn.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ-TW, kinh tế tập thể của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan và cơ bản thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh được quán triệt, triển khai, đã tạo được sự chuyển biến quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ đó số lượng, quy mô và chất lượng hoạt động của HTX ngày càng nâng lên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện. Các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo quy định, ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh; từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, kiên kết với doanh nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 383 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số 3.444 thành viên. Các tổ hợp tác đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, từng bước chủ động cải thiện đời sống, tạo thu nhập cho các thành viên. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 219 HTX, tăng 154 HTX so với thời điểm cuối năm 2003; tổng vốn hoạt động của HTX đến cuối năm 2018 là 302.406 triệu đồng, tăng 278.195 triệu đồng so cuối năm 2003.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, quy mô tổ hợp tác, HTX nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, thiếu sự liên kết; cán bộ quản lý HTX còn yếu; nhiều HTX thiếu chiến lược kinh doanh, chậm đổi mới, chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, thu hút nguồn lực để phát triển; một số HTX nông nghiệp chuyển từ mô hình cũ đến nay chưa được xử lý dứt điểm về mặt tài chính; nhiều HTX chưa mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất-kinh doanh… Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cơ quan Nhà nước, các sở, ngành phải thường xuyên nắm bắt để tháo gỡ những khó khăn của HTX, tạo thuận lợi cho HTX phát triển.
Để kinh tế tập thể, HTX phát triển, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp chủ yếu như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX, các tổ chức chính trị-xã hội; đẩy mạnh đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, tư vấn, hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX; hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tư vấn, hỗ trợ các tổ hợp tác, liên hiệp HTX ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và thị trường để hỗ trợ các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị làm cơ sở để triển khai nhân rộng… Đồng thời, tỉnh đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 1.350 tổ hợp tác, 315 HTX; đến năm 2030 có khoảng 2.200 tổ hợp tác, 417 HTX, 1 Liên hiệp HTX.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo-Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo-Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, so với cách đây 15 năm, kinh tế tập thể của tỉnh Gia Lai đã có nhiều khởi sắc, từng bước khắc phục được những tồn tại kéo dài những năm trước. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, chúng ta phải nhìn xa hơn để có hướng đi hiệu quả hơn, vì so với mặt bằng chung cả nước, thì Gia Lai có số lượng HTX hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào GDRP còn ít. Do đó, Gia Lai cần có đánh giá nhận định về kết quả thực hiện các chính sách dựa trên thực tế ra sao, có thống kê, phân loại HTX để có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng loại hình. Để quy mô HTX lớn hơn thì xu hướng phải phát triển HTX theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất, kết nối thị trường…
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát để tiếp tục triển khai chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TW. Trong thời gian tới, cần phải nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò của cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong phát triển kinh tế tập thể. Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của HTX, cùng phối hợp với các sở ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, có giải pháp hỗ trợ HTX; đồng thời triển khai các giải pháp đã đề ra để từng bước khắc phục những yếu kém, đưa kinh tế tập thể phát triển, thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm