Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.



Công tác quản lý, bảo vệ rừng chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua, toàn tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, các cấp ủy Đảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tỉnh cũng đã thu hút các nguồn lực đầu tư vào ngành lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp từng bước được kiện toàn, sắp xếp, đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương…

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam


Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến cho biết: “Qua 4 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã phối hợp tổ chức 698 đợt tuyên truyền với trên 47.880 lượt người tham gia và ký cam kết bảo vệ rừng với 6.141 hộ sống và canh tác nương rẫy gần rừng. Ngành chức năng đã xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và đưa 96 đối tượng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng ra kiểm điểm trước dân. Đến nay, huyện đã thu hồi hơn 859 ha rừng bị lấn chiếm và chuyển qua trồng rừng, trồng cây phù hợp với mục đích lâm nghiệp được hơn 402 ha”.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Mang Yang Trần Đình Hiệp thì cho hay: Mang Yang có diện tích rừng tương đối lớn. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống gần rừng còn sử dụng gỗ rừng làm nhà nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp. Công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm cũng được triển khai tích cực và đã trồng được trên 500 ha.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo: “Qua thống kê, trên địa bàn huyện có hơn 13 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh buôn bán lâm sản trái phép và có 1.077 cá nhân trên địa bàn và các huyện giáp ranh có vi phạm liên quan đến lâm sản. Mục đích việc thống kê là để chúng tôi nắm bắt, theo dõi và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm Luật Lâm nghiệp. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, tình hình vi phạm đã giảm khoảng 80%, nhất là tình hình khai thác gỗ, củi rừng”.

Từ năm 2017 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 1.849 đợt vận động, tuyên truyền với hơn 110.720 lượt người tham gia; vận động 17.232 hộ dân tự nguyện kê khai được 32.280 ha đất lấn chiếm và trồng được 23.268 ha rừng. Thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tạm ứng kinh phí từ ngân sách địa phương hơn 65,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ tham gia trồng rừng sản xuất với diện tích 7.543 ha. Đồng thời, các địa phương đã giao khoán 138.000 ha rừng cho hơn 10.600 hộ nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho hay: Từ khi có Chỉ thị số 13 và Chương trình số 38, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả tích cực, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm qua từng năm. Ngành Nông nghiệp và PTNT cũng đã xây dựng các đề án phát triển lâm nghiệp, đề án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời, Sở đã tham mưu, kiện toàn nhân sự, lãnh đạo các ban quản lý rừng, lực lượng Kiểm lâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. “Thời gian tới, Sở sẽ xây dựng phương án đưa các ban quản lý rừng phòng hộ về cho địa phương quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh giao khoán rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng. Hình thành khu lâm nghiệp công nghệ cao tại huyện Kbang. Tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút các dự án ODA vào phát triển hạ tầng khu lâm nghiệp”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ rừng

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng đã kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh xem xét, có cơ chế cho phép các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư là người dân tộc thiểu số nhận khoán được tận dụng gỗ khô chết trên diện tích rừng được giao vào mục đích làm nhà ở đối với hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó khăn về nhà ở; xem xét nâng hạn mức hỗ trợ trong giao khoán bảo vệ rừng cho người dân. Đồng thời, thay đổi hình thức khoán bảo vệ rừng từ cộng đồng, nhóm hộ sang hình thức khoán theo hộ hoặc cá nhân để nâng cao trách nhiệm của bên nhận khoán, đi đôi với quyền lợi và chế tài xử lý nghiêm khi để xảy ra vi phạm trên diện tích rừng được nhận khoán. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để quản lý tốt diện tích khu vực rừng giáp ranh.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly làm đường ranh cản lửa phòng-chống cháy rừng (hình chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam
Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly làm đường ranh cản lửa phòng-chống cháy rừng (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam


Theo Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng rất lớn, còn tập quán khai thác gỗ rừng về làm nhà; vẫn còn tình trạng người dân sử dụng củi rừng làm chất đốt trong sấy thuốc lá. Đồng thời, việc trồng rừng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi chu kỳ cây lâm nghiệp là 5-7 năm mà chính sách hỗ trợ còn thấp nên cần nâng mức hỗ trợ cho người dân.    

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chỉ đạo: Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan tham mưu chính, trực tiếp cùng với các ngành có liên quan nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất để tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm có hướng tháo gỡ những vướng mắc. Đến quý II-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ này.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Thời gian đến, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp; tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nghiên cứu đề xuất kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng gắn với xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay cho hành vi vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh giao khoán bảo vệ rừng, thí điểm các mô hình vừa chăm sóc, bảo vệ rừng vừa tăng cường sinh kế cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số; nghiên cứu bổ sung trồng rừng gỗ lớn.

 Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro kiểm đếm số gỗ tang vật thu giữ. Ảnh: Ngọc Minh
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro kiểm đếm số gỗ tang vật thu giữ. Ảnh: Ngọc Minh


Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương kiên quyết thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép, thu hồi diện tích rừng đã giao, cho thuê mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Cùng với đó, khẩn trương triển khai Nghị quyết số 45 của HĐND tỉnh về rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, huy động các nguồn lực tích cực triển khai trồng mới 8.000 ha rừng mỗi năm theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; biểu dương, khen thưởng những đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác trồng rừng và ngược lại; tăng cường bảo vệ rừng tận gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp.


Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý 2.712 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 4.712 m3 gỗ và một số lâm sản khác, 153 xe ô tô, máy kéo, 589 xe máy và một số phương tiện, công cụ khác; xử lý 11 vụ chống người thi hành công vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 43,9 tỷ đồng. Đồng thời, xử lý kỷ luật 18 người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để xảy ra phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý và xử lý 159 công chức, viên chức vi phạm kỷ luật.
 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm