Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng nóng kéo dài liên tục trong những tháng qua làm cho đồng ruộng khô héo, nguy cơ cháy rừng đặt ở mức báo động. Theo tin mới nhất từ Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến thời điểm hiện tại, nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Nam và Tây Nguyên thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Riêng với tỉnh Gia Lai, các huyện được cảnh báo ở mức cao nhất hiện nay như: Chư Pah, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai.

Tìm hiểu về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng và các phương án đề ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhĩ-Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai.

Lửa cháy ở khu vực rừng trồng dưới chân núi tại Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (Chư Pah). Ảnh: N.G
Lửa cháy ở khu vực rừng trồng dưới chân núi tại rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (Chư Pah). Ảnh: N.G

* P.V: Ông có thể cho biết các phương án và công tác chỉ đạo PCCC rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay?

- Ông Nguyễn Nhĩ: Thời gian qua, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vì vậy đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo khẩn cấp của Chính phủ, Cục Kiểm lâm, UBND tỉnh Gia Lai về công tác PCCC rừng. Ban Thường trực PCCC các cấp túc trực 24/24 để nắm bắt tình hình và ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, điều động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra cháy.

Về công tác phòng cháy, hiện đã tổ chức triển khai đến các đơn vị, chủ rừng, Hạt Kiểm lâm tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm phòng ngừa nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm khi có tình huống cháy.

Hiện tại, các đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ và có sự can thiệp đáng kể ngăn chặn các vụ cháy xảy ra, đặt biệt là các vùng có nguy cơ cao và kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

 

* P.V: Hiện nay, địa phương nào được xác định cao điểm có nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn, công tác phối hợp ứng phó được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?
    
- Ông Nguyễn Nhĩ: Hiện tại các huyện có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao nhất trên địa bàn được xác định trọng điểm với diện tích rừng trồng lớn như: Chư Pah, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai. Công tác phối hợp đã được xác định trong các phương án đã đặt ra ngay từ đầu mùa khô như kiểm soát, huy động lực lượng. Trong thực tế, các lực lượng cũng đã triển khai theo kế hoạch tương đối tốt. Đồng thời, lực lượng Kiểm lâm địa bàn bám sát hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy theo đúng quy hoạch, quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác, có phương án kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng.

Toàn ngành hiện tập trung lực lượng và sẵn sàn ứng phó khi có tình huống xấu nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra.

 

Người dân tham gia chữa cháy rừng tại huyện Chư Pah. Ảnh: N.G
Người dân tham gia chữa cháy rừng tại huyện Chư Pah. Ảnh: N.G

* P.V: Song song với công tác PCCC rừng mùa khô, việc quản lý bảo vệ rừng được ngành tiến hành thế nào?

- Ông Nguyễn Nhĩ: Từ dịp Tết Bính Thân đến nay, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Nhờ vậy, hoạt động khai thác trái phép, phá rừng lấy đất sản xuất có xảy ra ở một số nơi nhưng chỉ ở mức nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, một số điểm nóng, phức tạp đã hạn chế rất nhiều.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Giác (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm