(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch số 1573/KH-UBND về việc triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng-chống dịch Covid-19, nâng cao ý thức của người dân và hoàn thành đúng tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo ra cơ chế, chính sách, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, nhận diện và phát huy các tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được những khó khăn, thách thức, hóa giải được những mâu thuẫn, tạo động lực mới cho tỉnh.
Rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, kiên quyết cắt giảm các dự án chưa cấp bách, hiệu quả thấp để tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: Lê Nam |
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến sau thu hoạch, để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng cường phát triển thương mại điện tử, logistics. Thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, các di sản, di tích gắn với phát triển du lịch. Chú trọng phát triển hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục và dịch vụ du lịch. Củng cố, giữ vững quốc phòng-an ninh khu vực biên giới.
Về trách nhiệm, đối với việc đầu tư đường cao tốc Pleiku-Quy Nhơn, UBND tỉnh giao Sở Giao thông-Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, và các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương phối hợp với Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và một số đối tác khác nghiên cứu phương án đầu tư. Phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Bình Định hoàn chỉnh phương án đầu tư xây dựng, tiến độ triển khai. Sở Giao thông-Vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu, trình UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông-Vận tải sớm điều chỉnh quy hoạch nâng cấp Sân bay Pleiku trước năm 2030.
Việc hỗ trợ thu hút, kêu gọi các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất các dự án cụ thể báo cáo UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ vận động các nhà tài trợ. Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng 4.757,44 ha rừng tự nhiên để thực hiện dự án công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông), việc chuyển đổi diện tích rừng trồng cao su có hiện tượng chết, kém phát triển sang trồng các loại cây khác, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị rà soát, đề xuất UBND tỉnh báo cáo đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Liên quan đến bảo tồn di tích khảo cổ, hồ sơ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích “Khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá” và công nhận rìu tay là bảo vật quốc gia, giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, triển khai các bước để trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá thành di tích cấp quốc gia đặc biệt; đề nghị công nhận “Rìu đá” thành bảo vật quốc gia trong năm 2022.
LỆ HẰNG