(GLO)- Sau kỳ nghỉ lễ, chiều 2 và 3-5, đông đảo người dân Gia Lai đã tập trung về các bến xe trên địa bàn để trở lại một số tỉnh, thành khác tiếp tục học tập và công tác. Mặc dù có xảy ra tình trạng khan hiếm vé, thậm chí nhà xe bất chấp phụ thu thêm giá vé trái quy định, song Sở Giao thông-Vận tải đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, giải quyết tốt nhu cầu đi lại của hành khách cũng như kịp thời xử lý kiên quyết các sai phạm.
Tăng cường 47 chuyến xe
Ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai, cho hay, nhu cầu đi lại của khách tăng cao vào thời điểm cuối lễ, tức ngày 2 và 3-5 với tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh là chủ yếu. Theo số liệu thống kê trong 4 ngày (từ 30-4 đến 3-5), tại Bến xe Đức Long, bên cạnh 23 xe cố định (khai thác tuyến đường trên) thực hiện được 87 chuyến, vận chuyển được 3.484 hành khách vào TP. Hồ Chí Minh, các nhà xe còn tăng cường được 47 chuyến, vận chuyển thêm 1.837 hành khách (tăng 52,6% so với ngày thường).
Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thời điểm cuối lễ. Ảnh: Hồng Thi |
Ngoài việc động viên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đứng chân trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tăng cường giải tỏa khách, Sở Giao thông-Vận tải đã vận động 17 chuyến tăng cường từ các xe ngoài tuyến, gồm: xe Bình Phước 11 chuyến, xe TP. Hồ Chí Minh 4 chuyến, xe Cà Mau 1 chuyến và xe buýt Đức Long 1 chuyến, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân. Hai trong số các đơn vị thực hiện tốt công tác tăng cường vận tải khách được ông Quế đưa ra là hãng xe Thuận Ý và Thuận Tiến; riêng hãng Việt Tân Phát, dịp lễ này không chạy tăng cường.
Có mặt tại Bến xe Đức Long vào sáng 2-5, phóng viên nhận thấy tương đối đông người dân đến đặt và mua vé xe đi TP. Hồ Chí Minh. Một phần trong số họ đều không vui vì các quầy thông báo hết vé. Một vài người túng quá, năn nỉ nhà xe cho ngồi ghế xúp hoặc đường luồng nhưng đều bị từ chối. Lý giải cho thực trạng này, ông Quế nói: “Để giải tỏa khách trong ngày 2-5, chúng tôi đã vận động 4 xe Bình Phước tăng cường với 112 chỗ ngồi. Dù thế, nhằm phòng rủi ro khi các xe này không thể quay đầu vào Gia Lai đón khách, nên phòng vé tăng cường không dám xuất vé; cho đến khi chắc chắn có xe về, bến xe mới bắt đầu bán. Tới 3 giờ chiều cùng ngày, tại bến còn 20 hành khách có nhu cầu vào TP. Hồ Chí Minh ngay trong hôm đó, bến xe có hỏi ý kiến Sở và chúng tôi quyết định dừng lại vì số lượng khách này không đủ chuyến, đồng thời hẹn họ dời lịch khởi hành sang ngày hôm sau”. Mặt khác, ông Quế cũng phân tích thêm rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng khan hiếm vé là do một số hành khách cứ kiên quyết lựa chọn xe chất lượng dịch vụ cao như ghế nằm, giường nằm mà không chịu đi ghế ngồi. Điều này dẫn đến sự chênh lệc về cung cầu giữa các xe dịch vụ.
Hãng xe Thuận Tiến là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc tăng cường giải tỏa khách trong dịp trước và sau dịp lễ vừa qua. Ảnh: Hồng Thi |
Kiên quyết xử lý sai phạm
Trao đổi với Báo Gia Lai về việc có hành khách thông qua Báo Gia Lai điện tử phản ánh nhà xe phụ thu thêm, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Nguyễn Hữu Quế xác nhận có tình trạng nhà xe cố ý phụ thu giá vé trái quy định; đồng thời cũng khẳng định, đó là trường hợp duy nhất trong suốt quá trình vận tải khách dịp lễ vừa qua trên địa bàn.
Theo đó, vụ việc trên xảy ra vào tối 3-5 trên chiếc xe Tây Nguyên mang biển kiểm soát 81B-001.25 thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải Gia Lai. Đây là xe chuyên chạy tuyến Lào và Hà Nội vào tăng cường để vận chuyển khách từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh tại Bến xe Đức Long. “Sáng cùng ngày, Sở Giao thông-Vận tải đã cấp phù hiệu xe tăng cường cho chiếc xe trên và quán triệt chỉ được thu 280.000 đồng/vé, ngoài ra không phụ thu thêm. Nếu nhà xe cảm thấy cân đối được chi phí thì chạy và họ đã đồng ý. Thế nhưng đến chiều trước khi xuất bến, thông qua số điện thoại đường dây nóng, Sở lại nhận được phản hồi từ một vị khách ngồi trên chính chiếc xe đó, nói rằng nhà xe đòi phụ thu thêm 110.000 đồng/người. Ngay lập tức, Sở đã cho Thanh tra Giao thông đến kiểm tra và thông báo rộng rãi với hành khách trên xe không phải đưa thêm khoản tiền nào, trừ tiền vé 280.000 đồng. Sau khi Thanh tra Giao thông rời xe, khách lại tiếp tục ý kiến về Sở nói nhà xe không rời bến đến khi nào cho phụ thu, rồi báo xe bị hỏng”-ông Quế thuật lại.
Các xe Bình Phước vào tăng cường đã kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Ảnh: Hồng Thi |
Trước diễn biến phức tạp của sự việc, Sở Giao thông-Vận tải đã mời chủ xe Tây Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải Gia Lai cùng Giám đốc Bến xe Đức Long vào làm việc và yêu cầu bằng mọi giá phải khắc phục hư hỏng để đưa số hành khách trên xe vào TP. Hồ Chí Minh ngay trong hôm đó. Sở cũng kiên quyết, nếu cố tình không thực hiện, bản thân chiếc xe này sẽ vĩnh viễn bị cấm kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh Gia Lai; còn Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Gia Lai sẽ bị xử lý theo quy định. Đến 19 giờ 30 phút, chiếc xe hoàn tất việc sửa chữa và lăn bánh đưa hành khách vào TP. Hồ Chí Minh an toàn.
Ông Quế cũng cho hay, ngoài vụ việc trên, vào chiều 3-5, Sở còn giải quyết thêm 1 trường hợp khách hàng mua phải vé giả. Cô bé sinh viên tên Liên này đã mua chiếc vé tại một điểm bán trên đường Hùng Vương, TP. Pleiku với giá 400.000 đồng và được nhà xe hẹn 18 giờ 30 phút đến Bến xe Đức Long để lên xe đi TP. Hồ Chí Minh. Sau khi đến bến đợi mà chẳng thấy xe đâu, Liên mới hốt hoảng trình bày vấn đề cho đại diện lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải đang có mặt tại bến xe và được đơn vị này bố trí một chỗ ngồi trên chiếc xe tăng cường của Bình Phước để kịp vào tham gia kỳ thi tại trường; đồng thời, Sở đã chỉ đạo Bến xe có trách nhiệm trả lại cho hành khách này số tiền 400.000 đồng đã bỏ ra mua vé. Thông qua sự việc này, Sở cũng lên tiếng cảnh báo khách hàng nên cẩn trọng hơn trong việc mua vé xe và tốt nhất là nên mua tại bến xe để đảm bảo yếu tố thực, tránh để các đối tượng lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi sai pháp luật.
Hồng Thi