Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai:Sốt xuất huyết đang tăng nhanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Gia Lai có dấu hiệu gia tăng mạnh. Vì vậy, ngành Y tế và các cấp chính quyền đang khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.

Số bệnh nhân tăng mạnh

Theo thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.065 trường hợp mắc SXH, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra tại 89/222 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã và thành phố. So với cùng kỳ năm 2017, số bệnh nhân mắc SXH giảm 50%, nhưng có dấu hiệu gia tăng mạnh các tháng gần đây. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đang lưu hành 2 chủng SXH là DEN-1 và DEN-2.

 Máy móc và hóa chất được cấp cho các địa phương để phòng-chống sốt xuất huyết. Ảnh: N.T
Máy móc và hóa chất được cấp cho các địa phương để phòng-chống sốt xuất huyết. Ảnh: N.T



Các huyện, thị xã ở khu vực Đông Nam tỉnh hiện có tỷ lệ mắc SXH khá cao. Theo đó, huyện Krông Pa đang dẫn đầu tỉnh về số ca mắc SXH với 542 trường hợp, thị xã Ayun Pa 110 trường hợp, huyện Phú Thiện 26, huyện Ia Pa 25... Thành phố Pleiku đứng thứ 2 cả tỉnh về số người mắc SXH với 221 trường hợp.

Theo bác sĩ Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên nhân dẫn đến việc SXH gia tăng thời gian gần đây-nhất là tại khu vực Đông Nam tỉnh-là do thời tiết nóng lạnh thất thường. Sau mưa thường có nắng, tạo điều kiện cho muỗi mang mầm bệnh sinh trưởng và phát triển.

Một nguyên nhân khác là do người dân chưa chú trọng xử lý môi trường, lật úp các vật dụng chứa nước đọng quanh nhà nên muỗi có cơ hội sinh trưởng. “Khu vực Đông Nam tỉnh là vùng trũng nên thường xuyên có nước đọng quanh khu vực dân cư.

Qua giám sát dịch tễ ở khu vực này, chúng tôi phát hiện rất nhiều lăng quăng/bọ gậy ở những vũng nước đọng và các vật dụng chứa nước quanh nhà dân.

Trong công tác phòng-chống SXH, việc quan trọng nhất là vệ sinh môi trường, bởi phun hóa chất chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Hóa chất bốc hơi rất nhanh nếu nắng nóng. Ngược lại, muỗi sinh trưởng nhanh khi gặp kiểu thời tiết hanh khô. Nếu người dân làm tốt vệ sinh môi trường thì công tác phòng-chống SXH sẽ đạt hiệu quả cao hơn”-bác sĩ Nam cho biết.

Không để dịch lây lan trên diện rộng

Trước tình trạng SXH gia tăng, ngành Y tế và các cấp chính quyền đang khẩn trương triển khai các biện pháp khống chế, không để dịch lây lan trên diện rộng. Hiện ngành Y tế đang tập trung lực lượng để chống dịch tại “điểm nóng” Krông Pa.

Một tổ công tác gồm 6 người của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh do bác sĩ Võ Gia Bắc-Phó Giám đốc Trung tâm-dẫn đầu đang túc trực tại Krông Pa để cùng với Trung tâm Y tế huyện và người dân tổ chức dập các ổ dịch. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã hỗ trợ huyện Krông Pa 4 máy phun hóa chất, 30 lít và 30 kg hóa chất các loại để diệt lăng quăng/bọ gậy. “Đây là tổ công tác thứ 7 được Trung tâm cử về Krông Pa chống dịch. Trước đó, chúng tôi cũng đã cấp cho huyện hơn 90 lít hóa chất để phun xử lý môi trường”-bác sĩ Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh-cho biết.

Ngoài ra, đại diện của Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe tỉnh cũng có mặt tại đây để hướng dẫn người dân chống dịch. Theo đó, Trung tâm đã tổ chức 23 buổi truyền thông tại cộng đồng và truyền thông trực tiếp cho 346 hộ dân về phòng-chống SXH; cấp 16 băng rôn và treo 20 băng rôn tuyên truyền; phối hợp với các cơ quan truyền thông phát các chuyên mục, đăng tải bài viết phòng-chống SXH. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa-cho hay: “Hiện nay, các lực lượng phòng-chống SXH của huyện và tỉnh đang tập trung xử lý các ổ dịch, đặc biệt là tại xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc. 2 ngày nay, chúng tôi đã tổ chức phun hóa chất trên diện rộng và vận động người dân tích cực vệ sinh môi trường”.

Bác sĩ Hồ Ngọc Gia cho biết thêm: “Đến nay, chúng tôi đã cấp 602 lít hóa chất cho TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa, huyện Đak Đoa và Mang Yang để xử lý các ổ dịch. Đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cử lực lượng hỗ trợ  dập dịch, tuyên truyền cách phòng tránh sâu rộng trong nhân dân”.

Nguyễn Tú



------------
Chuyên đề có sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe tỉnh.


 

Có thể bạn quan tâm