Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng dao, vì đâu nên nỗi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã một hơn 1 tuần trôi qua nhưng dư luận ở Phố núi Pleiku chưa hết bàng hoàng về cái chết của đôi vợ chồng trẻ Kiều-Thịnh. Sau khi đâm vợ 36 nhát dao, Nguyễn Tấn Thịnh chọn cách nhảy xuống giếng tự tử. Trong phút chốc, gia đình này tan nát, vợ chồng đều chết, để lại con trẻ mồ côi, cha mẹ và dòng họ 2 bên đều khổ đau, chua xót.

Không chỉ ở Pleiku, trong cả nước ngày ngày nhan nhản trên báo chí tình trạng bạo lực gia đình: con giết cha, vợ hại chồng, mẹ đưa con nhỏ đi tự tử... Chỉ riêng Gia Lai, mới đi 2/3 chặng đường năm 2017 đã có 7 vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau, gồm: 3 vụ chồng giết vợ, 2 vụ mẹ giết con, 1 vụ con giết cha, 1 vụ anh giết em.

 

Ảnh: N.G
Ảnh: N.G

Nguyên nhân nào khiến con người ngày càng thiếu kiềm chế, hung hăng, man rợ đến nỗi sát hại người thân không gớm tay? Đâm vợ đến 36 nhát dao, không đơn thuần là giận dỗi bộc phát nhất thời. Đây rõ ràng là trút giận và trút hận. Chứng tỏ mâu thuẫn vợ chồng âm ỉ kéo dài, chỉ chờ thời điểm bùng phát.

Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng chịu nhiều tác động bên ngoài. Thân phận mỗi người ngày càng trở nên nhỏ bé, mong manh và dễ sa ngã, đổ vỡ. Lùi lại chừng 30 năm trở về trước, trình trạng giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng sự giết hại lẫn nhau cực kỳ hãn hữu. Dưới thời phong kiến, đạo đức Nho gia đề cao trách nhiệm “tròn vai” mỗi người. Vua phải tròn trọng trách của vua, tôi làm tròn phận sự của tôi, cha lo trách nhiệm của cha, con có bổn phận của con. Quan hệ vợ chồng cũng vậy, “phu xướng, phụ tùy”. Mặt tích cực trong luân lý, trách nhiệm ấy là các mối quan hệ nền nếp, ổn định. Một phần quyền tự do cá nhân bị cắt xén để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội.

Mà xét cho cùng, nói như đạo sư J. Krishnamurti, chúng ta chỉ có 2 khoảnh khắc tự do: tự do đầu tiên và cuối cùng. Khi đứa trẻ bắt đầu bú mớm, bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống xã hội thì không còn tự do tuyệt đối nữa mà đã bị xã hội chi phối, lệ thuộc vào các quy ước, luân lý, đạo đức, pháp luật, thời đại. Con người ở trong thời đại, tôn giáo, xã hội nào thì bị chi phối bởi thời đại, tôn giáo, xã hội đó.

Ý thức được giới hạn của tự do cá nhân, hiểu biết trách nhiệm mỗi người trong các mối quan hệ từ vợ chồng, với cha mẹ, con cái, anh em, tổ tiên dòng họ, đến quan hệ trong tập thể, xã hội, đất nước... chúng ta mới suy nghĩ và hành động kiềm chế. Trở lại câu chuyện vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thịnh, mâu thuẫn dồn nén, nếu trước khi xuống tay đâm vợ, anh chịu nghĩ, chịu trách nhiệm hơn trong các mối quan hệ, nhất là với đứa con 2 tuổi của mình, với người thân đã sinh thành, có lẽ Thịnh đã không hành động tàn bạo như vậy.

Sự bất hòa trong gia đình thì thời đại nào, gia đình nào cũng có. Song vì sao trước đây người ta hóa giải được mà giờ lại bùng phát dữ dội? Vì sao gia đình này xử lý ổn thỏa, êm đẹp, vợ chồng không sống được với nhau thì chia tay, mỗi người tự xây dựng cuộc sống mới; trong khi gia đình khác lại hành hạ, đọa đày, hãm hại nhau? Phương châm: “Chuyện lớn xem như nhỏ, chuyện nhỏ xem như không có gì” sao không trở thành phương châm sống trong mỗi gia đình? Mỗi người nhường nhịn nhau một chút, bớt đề cao cái tôi cá nhân, cộng đồng trách nhiệm với người thân có lẽ bất hòa trong mỗi gia đình sẽ ít dẫn đến bi kịch thảm khốc.

Chúng ta đang ở trong thời đại pháp luật được đề cao. Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết pháp luật của số đông người dân còn hạn chế. “Cái tôi” cá nhân được giải phóng, được bảo vệ, được cổ súy nhưng giới hạn “cái tôi” đến đâu thì không phải ai cũng nhận thức đầy đủ. Khoa học kỹ thuật phát triển, thế giới thu nhỏ trong chiếc điện thoại thông minh. Sự đua đòi, lòng đố kỵ, ganh ghét, so bì hay đam mê, quyến rũ, sa ngã... tất cả nằm trong lòng bàn tay. Mỗi người không ý thức vai trò của bản thân, trách nhiệm với gia đình và xã hội thì ranh giới mong manh giữa xây dựng và đổ vỡ, giữa vun đắp và hủy hoại chỉ đơn giản trong một cái like.

Từ một xã hội đề cao các giá trị luân thường đạo lý, cắt xén cái tôi, con người chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng chuyển sang xã hội đề cao pháp luật, cái tôi được giải phóng, thế giới chỉ trong tầm tay, nếu mỗi gia đình không xây dựng được nền tảng văn hóa vững chắc, những rào cản cần thiết thì sự chuyển dịch văn hóa dễ gây rối loạn, chao lắc, chới với và gãy đổ bất kỳ lúc nào. Một khi xã hội đức trị bị băng hoại, niềm tin tâm linh không còn nhưng ý thức chấp hành pháp luật chưa ăn sâu vào gốc rễ xã hội thì con người bản năng dễ trỗi dậy và mất kiểm soát.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm