Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Giảm mức sinh hợp lý: Giải pháp tối ưu trong chính sách dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, mức sinh hợp lý của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam là 2,1 con. Tuy nhiên, con số này ở tỉnh Gia Lai là 2,49 con/phụ nữ. Vì vậy, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh và các địa phương đang triển khai các giải pháp để giảm mức sinh hợp lý.
Xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh) là địa phương có mức sinh trung bình khá cao. Chị H’Leo (làng Tuêk) năm nay 44 tuổi nhưng có đến 17 lần sinh nở. Trong đó, 7 đứa trẻ do sinh non nên đã qua đời. Hiện chị H’Leo có 3 người con lớn đang làm công nhân may ở TP. Hồ Chí Minh, 7 đứa nhỏ hơn đang ở nhà, cháu nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi. “Bác sĩ bảo tôi không hợp với các biện pháp tránh thai. Giờ chỉ còn cách đi thắt ống dẫn trứng nhưng kinh tế gia đình lại quá khó khăn”-chị H’Leo giãi bày.
Lý giải về vấn đề này, ông Hàng-cán bộ Văn hóa-Xã hội xã Đak Tơ Ve-thông tin: “Đó là một trong những trường hợp sinh nhiều con trong xã. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân trong xã cũng dần nhận thức được tác dụng của các biện pháp tránh thai và ý nghĩa của việc kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên một số cặp vợ chồng chưa thực hiện các biện pháp tránh thai”. 
Trong khi đó, công tác DS-KHHGĐ ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh) lại thuận lợi hơn nhiều. Khoảng 15 năm trở lại đây, hầu hết các cặp vợ chồng ở Ia Phí đều thực hiện các biện pháp KHHGĐ và chỉ sinh 2 con. Ông Rơ Châm Laoh-Chủ tịch UBND xã-chia sẻ: “Phần lớn các đôi vợ chồng trẻ trong xã chỉ sinh 2 con. Qua công tác tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ, các cặp vợ chồng đã nhận thức được việc sinh nhiều con sẽ khổ nên tự giác thực hiện các biện pháp tránh thai”.   
Cấp phát tờ rơi chính sách dân số cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ làng Mơ Tôn (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Đinh Yến
Cấp phát tờ rơi chính sách dân số cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ làng Mơ Tôn (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Đinh Yến
Từ thực tế nêu trên cho thấy, một khi nhận thức của người dân được nâng lên thì công tác DS-KHHGĐ sẽ đạt kết quả cao. Bà Phạm Thị Nhàn-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) cho hay: “Toàn huyện có 17.220/23.726 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai. Hàng năm, huyện thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ đến tận cơ sở. Mục tiêu của chiến dịch là tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chính sách dân số và phát triển, giảm mức sinh thay thế”. 
Trao đổi với P.V, ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh-cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, việc chủ động duy trì mức sinh hợp lý là giải pháp tối ưu trong chính sách dân số. Bởi theo Chiến lược dân số-sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, việc giảm mức sinh thay thế là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Hàng năm, các địa phương đều tập trung tuyên truyền chủ đề “Duy trì mức sinh hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước”. 
“Nếu tỉnh ta phấn đấu duy trì mức sinh 2,1 con vào năm 2025, quy mô dân số của tỉnh sẽ ổn định ở mức gần 2 triệu người. Quy mô dân số đó ổn định ở mức thấp so với tình huống mức sinh tăng trở lại hoặc giảm thấp, cơ cấu tuổi theo đó cũng sẽ cân bằng, giảm dần sự chênh lệch bất lợi về mức sinh”- ông Nhật khẳng định.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm